Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận việc quản lý, sử dụng đất nông - lâm trường quốc doanh.

Đăng ngày: 10/11/2015
Sáng 10.11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội rất sâu sắc, rõ nét, công phu, có thuyết minh chi tiết về thực trạng đạt được cũng như hạn chế thiếu sót sau đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty nông, lâm nghiệp trong 10 năm qua.​

Truong Van Vo 10.11.jpg 

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở phát biểu tại phiên thảo luận

Để góp phần hoàn thiện nội dung Nghị quyết của Quốc hội sau giám sát và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, đại biểu Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị Quốc hội tiếp tục rà soát, tạo sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý và quản trị doanh nghiệp theo hướng triển khai việc sắp xếp đổi mới nông, lâm trường trong sản xuất, hoạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm được quy định trong luật Doanh nghiệp. Đại biểu Trương Văn Vở chỉ rõ, trên thực tế đã có một số đơn vị thành viên của Tập đoàn cao su Việt Nam, Tổng công ty cà phê Việt Nam, cũng như một số công ty lâm nghiệp kinh doanh có hiệu quả là do vững chắc trong cơ sở pháp lý về quản lý đất đai như có hồ sơ địa chính, mốc giới đầy đủ được quản lý chặt chẽ không xảy ra tranh chấp.
Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ phải rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đúng mục đích từng loại đất và giao đất, có hồ sơ địa chính đầy đủ theo quy định của pháp luật. Theo đó, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị nông, lâm trường không có nhu cầu hoặc sử dụng hiệu quả thấp, để hoang hóa thì phải thu hồi, giao địa phương quản lý nhằm bảo đảm thực hiện cơ chế quản trị đất đai theo hướng lấy sự tham gia của người dân làm trọng tâm.

 

Thực tiễn đã chứng minh, đơn vị nào thực hiện vai trò trung tâm ứng dụng chuyển giao công nghệ trong sản xuất kinh doanh theo mô hình hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, giữa doanh nghiệp với hộ nông dân trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì hiệu quả kinh tế mang lai rất cao, đóng góp thiết thực vào nguồn thu cho ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động, do đó, đại biểu Vở đề nghị cần xem nông, lâm trường quốc doanh là lực lượng chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.
Nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế trong quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường hiện nay không chỉ do sự thiếu trách nhiệm hay năng lực của bộ máy quản lý đơn vị mà còn do cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, không khả thi trong tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai. Hiện nay, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn khoán sử dụng đất lâu dài nhưng không rõ. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Trương Văn Vở đề nghị điều chỉnh lại cơ chế chính sách theo hướng quy định rõ quyền, lợi ích của người nhận khoán phải được thực hiện phân chia theo mức độ đầu tư, kể cả phân phối lợi nhuận và phải phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa bộ, ngành Trung ương và địa phương trên cơ sở Chính phủ kịp thời thể chế hóa Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt làm rõ vai trò quản lý nhà nước của bộ, ngành Trung ương trong thanh, kiểm tra ở địa phương và tại các đơn vị doanh nghiệp.

 

Đức Nhuận.