Gỡ khó chính sách thuế

Đăng ngày: 15/11/2015
​Nhằm cải cách thủ tục hành chính thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất và góp phần tăng thu ngân sách nhà nước một cách hợp lý trên cơ sở đảm bảo sự minh bạch và bình đẳng về thuế, chiều 13.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về sửa đổi, bổ sung một các Luật thuế.
201511131621230775_DSC_5171.jpg
ĐBQH Trương Văn Vở phát biểu tại hội trường về chính sách thuế

 
Sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt
Nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với việc bổ sung mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua chế biến thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu đối với cơ sở kinh doanh thương mại. Đồng ý với quan điểm trên nhưng đại biểu Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị thêm là không nên ràng buộc điều kiện các cơ sở trên phải bán cho doanh nghiệp và hợp tác xã vì quy định như vậy trong hành thu rất khó thực hiện, dễ xảy ra tình trạng lách luật, trốn thuế, thực chất nguyên tắc của thuế GTGT là áp dụng theo hàng hóa dịch vụ chứ không phải theo đối tượng sử dụng hàng hóa dịch vụ.
Dự thảo luật quy định không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư mở rộng tại cùng địa bàn, tỉnh, thành phố với dự án ban đầu. Đại biểu Trương Văn Vở không đồng tình với quy định này vì như thế sẽ mất đi ý nghĩa của hoàn thuế là tạo điều kiện về vốn cho nhà đầu tư, trong trường hợp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không phát sinh thuế giá trị gia tăng phải nộp hoặc thuế giá trị gia tăng của hoạt động sản xuất kinh doanh bị âm thì quy định không hoàn thuế GTGT đầu vào cho dự án đầu tư mở rộng tại cùng tỉnh địa phương là chưa công bằng so với chính sách được hoàn thuế khi doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư mở rộng tại địa phương khác.
Cho ý kiến về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng hóa nhập khẩu, đại biểu Trương Văn Vở và nhiều đại biểu khác thống nhất với phương án giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu là cộng thêm chi phí bán hàng trong nước và lãi của nhà nhập khẩu vì cho rằng phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước với doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập khẩu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Xóa hay không xóa nợ thuế?
Đối với việc xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp Nhà nước, nhiều đại biểu không đồng tình việc xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là doanh nghiệp Nhà nước thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán, sáp nhập, sắp xếp lại do cơ quan thẩm quyền phê duyệt như dự thảo luật. Đại biểu Trương Văn Vở cho rằng đây là vấn đề cần phải được xem xét đối với từng trường hợp cụ thể theo hướng chỉ xóa nợ do phát sinh nợ, do lỗi của cơ quan nhà nước, như doanh nghiệp cung ứng hàng hóa dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn từ ngân sách nhưng chưa được thanh toán kịp thời cho doanh nghiệp. Các trường hợp còn lại không nên xóa cho các đối tượng khác như dự án luật đã nêu  bởi vì Điều 47 của Hiến pháp quy định "Mọi công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế". Mặt khác, việc xóa nợ thuế đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước đã cổ phân hóa hoặc chuyển đổi sở hữu nhưng pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với khoản nợ thuế là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành vì quy định pháp luật hiện hành quy định khi cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu thì công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ gồm cả nợ thuế.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Du Lịch - Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không thể chấp nhận tình trạng lợi thì hưởng, nhưng lỗ để nhà nước gánh chịu, nhà nước ở đây là dân, thể hiện sự chấp hành không nghiêm của pháp luật về thuế, nhất là doanh nghiệp cố tình không kê khai số thuế nợ trong giá trị của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đại biểu cho rằng việc xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp khi cổ phần hóa, bán khoán, cho thuê là hợp lý vì về nguyên tắc, khi cổ phần hóa, bán khoán, cho thuê nhà nước phải loại trừ khoản nợ thuế ra khỏi giá trị doanh nghiệp và công khai để nhà đầu tư xác định giá mua, giá thuê. Nếu có sai sót trong quá trình cổ phần hóa mà pháp nhân mới chịu trách nhiệm thì thiệt thòi cho nhà đầu tư, việc xóa khoản nợ thuế là vì lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và góp phần bảo vệ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đức Nhuận