Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 04/02/2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và các quy định hiện hành liên quan đến công tác bầu cử. Để HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc thực hiện cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh, Đảng đoàn HĐND lãnh đạo HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt các nội dung cụ thể như sau:
1. Lãnh đạo đối với công tác tuyên truyền về bầu cử|
Phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 51-CT/TW của Bộ chính trị và Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là quán triệt các yêu cầu về tổ chức bầu cử đảm bảo dân chủ; đúng pháp luật; an toàn, tiết kiệm; nâng cao chất lượng và vai trò đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả bộ máy Nhà nước.
Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân mỗi đại biểu động viên cử tri tự giác, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, tích cực và chủ động tham gia bầu cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tích cực tham gia bầu cử, tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử, các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả.
2. Lãnh đạo đối với công tác tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016
Thường trực HĐND phối hợp với các Ban HĐND đánh giá toàn diện, sâu rộng hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua của Hội đồng nhân dân các cấp. Tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 theo quy chế hoạt động và chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, từ đó rút ra những bài học kinh kinh nghiệm trong việc lựa chọn, giới thiệu, bố trí và tổ chức hoạt động đại biểu HĐND tỉnh đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Trên cơ sở những kinh nghiệm đã rút ra sẽ vận dụng trong việc giới thiệu đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.
3. Lãnh đạo đối với hoạt động giám sát công tác bầu cử
Cùng với quá trình cuộc bầu cử diễn ra, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm tổ chức giám sát, khảo sát việc thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và các văn bản triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, tập trung vào công tác giám sát việc thực hiện công tác tuyên truyền về bầu cử, sau đó cần tập trung giám sát toàn bộ các nội dung khác có liên quan, đảm bảo quyền được tham gia bầu cử của công dân và thực hiện đúng quy định về bầu cử.
Để hoạt động giám sát đảm bảo đều khắp và sâu sát, Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm định hướng các nội dung giám sát để các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp huyện, cấp xã cùng phối hợp thực hiện.
Quá trình giám sát, khi phát hiện có những vấn đề phát sinh cần xử lý kịp thời, có những kiến nghị cụ thể, phù hợp để giúp cho công tác bầu cử trên địa bàn đạt kết quả cao, theo đúng quy định.
Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, thường xuyên báo cáo kết quả giám sát với Thường trực Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND và tổng hợp báo cáo kết quả giám sát toàn bộ quá trình, có đánh giá rõ về tác động của giám sát HĐND các cấp đối với công tác bầu cử trên địa bàn.
4. Lãnh đạo trong công tác giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh và bầu vào các chức danh HĐND
- Đối với đại biểu Quốc hội: Lãnh đạo Thường trực HĐND, công chức Văn phòng ĐĐBQH&HĐND tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội đặc biệt trong việc thông qua dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.
- Đối với đại biểu HĐND tỉnh:
Trên cơ sở nhân sự thuộc diện quy hoạch các chức danh HĐND tỉnh đã được Tỉnh ủy phê duyệt, Đảng đoàn HĐND tỉnh trình Ban Thường vụ tỉnh ủy về nhân sự giới thiệu ứng cử để bố trí vào các chức danh Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Trưởng, phó các Ban hoạt động chuyên trách của HĐND khóa IX.
Công tác nhân sự HĐND tỉnh khóa IX phải đảm bảo có sự kế thừa nhân sự HĐND khóa VIII; đảm bảo số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; đại biểu phải có kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực kinh tế xã hội để đảm bảo cho hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ tới.
Lãnh đạo việc thực hiện quy trình giới thiệu người ứng cử thuộc nguồn tại chỗ (công tác tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh) theo đúng quy định tại Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 01/02/2016 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
5. Lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh trong việc thực hiện công tác bầu cử
Thực hiện Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm đảm nhận các nhiệm vụ do Ủy ban bầu cử phân công. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lưu ý các vấn đề cụ thể như sau:
- Dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND được bầu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan hành chính cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật.
Thực hiện cuộc bầu cử tại địa phương theo đúng quy định của Luật, trong đó chú trọng một số vấn đề về công tác hiệp thương, giới thiệu ứng cử vào đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; việc lập và niêm yết danh sách cử tri đối với một số địa bàn có đặc thù về dân cư; nhận, phân phối phiếu bầu và việc chuẩn bị cho ngày bầu cử theo quy định của pháp luật.
Giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các khiếu nại, tố cáo phát sinh trước, trong và sau bầu cử.
Hướng dẫn, theo dõi quá trình kiểm phiếu theo đúng quy định, đảm bảo về thời gian, chất lượng công tác kiểm phiếu.
Thực hiện quy định về thông báo kết quả bầu cử ở địa phương; chuyển hồ sơ bầu cử theo đúng quy định.
Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, Thường trực HĐND tỉnh có trách nhiệm khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để phục vụ cho việc tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa IX theo đúng quy định của pháp luật; chuẩn bị việc giới thiệu và xem xét, quyết định số lượng, nhân sự cụ thể thuộc Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và phân chia các tổ đại biểu phù hợp nhằm đảm bảo hoạt động của HĐND và các tổ chức của HĐND khóa IX chất lượng, hiệu quả.
Nguyễn Thị Oanh