Ứng cử viên tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ

Đăng ngày: 07/05/2016
Người ứng cử có thể gửi Chương trình hành động của mình cho các cử tri dự hội nghị tiếp xúc. Đến thời điểm hiện nay, các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã bắt đầu tiến hành tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định 03 nguyên tắc vận động bầu cử gồm: ​

      Thứ nhất: Được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
    
Thứ hai: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.
     
Thứ ba: Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
    
Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 27/4)  và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 21/5).
    DSC01025.JPG
             Bà Quách Ngọc Lan, TB Kinh tế Ngân sách vận động ứng cử nhiệm kỳ 2011-2016

     Hình thức vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật và thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Tại tỉnh Đồng Nai đã sử dụng cả 02 hình thức để các ứng cử viên vận động ứng cử.
    
Đây là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân. Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
    
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị (các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị quân sự, công an) và cử tri ở địa phương.
    
Trường hợp đặc biệt, do điều kiện khách quan mà Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh không thể trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử nào thì phải có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện chủ trì, tuy nhiên Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh vẫn phải cử cán bộ của mình tham dự hội nghị tiếp xúc nhằm chủ động nắm tình hình và bảo đảm cho hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử được thực hiện an toàn, đúng luật.
    
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương...
    
Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổng hợp báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 66, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và gửi ngay báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kịp thời tổng hợp báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.

Nguyễn Thị Oanh