TỪ VIỆC TÁCH RIÊNG VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH&HĐND TỈNH Nhìn lại quá trình thay đổi tổ chức bộ máy của mô hình Văn phòng phục vụ cơ quan dân cử tại cấp tỉnh

Đăng ngày: 11/10/2016
​Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang chuẩn bị các trình tự, thủ tục để được tách riêng ra thành hai cơ quan: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh. Đây là một chủ trương được sự đồng thuận rất cao của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh, các cơ quan Văn phòng và của các chuyên gia. Nhân sự kiện này, xin điểm lại quá trình thay đổi tổ chức, bộ máy của mô hình Văn phòng này trong thời gian vừa qua để có cơ sở nhận xét về tính khả thi của chủ trương này. 
 

​    Trong 15 năm qua, Văn phòng tham mưu giúp việc cho Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân tỉnh liên tục thay đổi quy định về tổ chức bộ máy. Từ năm 2001 đến nay, mô hình Văn phòng này có đến 4 lần thay đổi về tên gọi khác nhau, tương ứng với tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ đều có những nét đặc trưng riêng cho từng thời kỳ. Từ năm 2001-2004 là Văn phòng HĐND & UBND tỉnh có bộ phận giúp việc chung cho HĐND, UBND và Đoàn ĐBQH tỉnh gồm các cán bộ, chuyên trực thuộc các phòng của Văn phòng chung nhưng phân công nhiệm vụ cho từng khối. Từ ngày 31/12/2004 là mô hình Văn phòng phục vụ riêng cho HĐND tỉnh gọi là Văn phòng HĐND tỉnh, tách bộ phận phục vụ Đoàn ĐBQH tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh ra khỏi cơ quan Văn phòng HĐND và UBND. Từ ngày 29/01/2008 đến nay lại thay đổi thành Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh trên cơ sở hợp nhất giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND tỉnh và hoạt động ổn định cho đến đầu năm 2016. Và sắp tới là việc tách trở lại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thành hai Văn phòng riêng là Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh.

 

    Theo đánh giá của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại các hội nghị, hội thảo do trung ương và các địa phương tổ chức, thì bên cạnh một số ưu điểm của mô hình văn phòng chung như tận dụng được nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật…, thì cũng xuất hiện những hạn chế, bất cập trong tổ chức hoạt động của Văn phòng, ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả hoạt động. Hạn chế lớn nhất là một Văn phòng chung thống nhất, nhưng chức năng nhiệm vụ chia làm hai khối tách bạch hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau do phục vụ hai chủ thể độc lập là Đoàn ĐBQH riêng, và HĐND riêng. Sau sáp nhập cơ quan, tổ chức bộ máy lớn hơn, chức năng nhiệm vụ nhiều hơn, tất yếu cần xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế của cơ quan, của các bộ phận trực thuộc, các đoàn thể và định kỳ sơ tổng kết đánh giá việc thực hiện các quy chế cũng như giám sát việc thực hiện các quy chế nêu trên. Bên cạnh đó, do tham mưu, giúp việc cho nhiều chủ thể nên cơ chế thỉnh thị, xin ý kiến cũng phức tạp, nhiều tầng nấc hơn và nhiều trường hợp chưa thống nhất về quan điểm, phương thức giải quyết các vấn đề cần tổ chức các cuộc họp để thống nhất về quan điểm. Chính vì vậy, sau sáp nhập khối lượng công việc tăng lên rất nhiều, không chỉ là công tác tham mưu, giúp việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng mà còn có nhiều nhiệm vụ trong công tác điều hành, xử lý, phân công, phối hợp giữa các bộ phận trong cùng cơ quan. 

    Bên cạnh đó, cùng một cơ quan lại có hai nguồn kinh phí riêng, hai chế độ chi riêng, hai trụ sở riêng. Trong đó, HĐND tỉnh đóng tại Trụ sở khối nhà nước, trong khi Đoàn ĐBQH có trụ sở riêng, nhưng quy định chỉ cho phép có 01 phòng Hành chính-Tổ chức-Quản trị dẫn đến cán bộ công chức của phòng phục vụ cho hai khối khác nhau, hưởng hai chế độ khác nhau nhưng trưởng phòng chỉ hưởng lương một khối, làm việc tại một trụ sở không thể kiểm soát chặt chẽ công việc của cán bộ công chức nhân viên dưới quyền của mình phục vụ tại trụ sở còn lại. Dẫn đến trong công tác điều hành đã gặp nhiều việc công tác phục vụ về hậu cần không đạt yêu cầu nhưng rất khó xác định trách nhiệm.

DSC030275.jpg
CBCC, NV Văn phòng tham gia hoạt động thể thao do Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức​
 

    Sau sáp nhập về mặt chính quyền là sáp nhập tổ chức đảng và các đoàn thể. Bên cạnh ưu điểm là tổ chức lớn mạnh lên, thì trong hoạt động còn nhiều khó khăn, bất cập. Bất cập lớn nhất là nhân sự tham gia các đoàn thể nhưng do điều kiện công tác rất khác nhau nên khó sắp xếp thời gian họp và triển khai các hoạt động của đoàn thể theo kế hoạch đã đề ra. Theo quy định, hàng năm chính quyền đều dự toán một khoản kinh phí nhất định để hỗ trợ phần nào cho hoạt động của đoàn thể. Nhưng vì nhiều chủ thể lãnh đạo nên có những trường hợp các bên chưa thống nhất về chủ trương hỗ trợ nên mất nhiều thời gian để người đứng đầu các đoàn thể báo cáo, xin ý kiến của lãnh đạo các bên.

    Trên kết quả cơ sở thực tế hoạt động của các mô hình Văn phòng phục vụ cơ quan dân cử tại các địa phương, mới đây hàng loạt các quy định của pháp luật đã đồng loạt quy định nhất quán việc tách riêng mô hình Văn phòng chung ra trở lại thành hai mô hình Văn phòng riêng như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, các văn bản liên quan đến việc thành lập mới Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tại cấp tỉnh đã được quy định như Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;  Văn bản số 28/VPQH-TCCB ngày 05/01/2016 của Văn phòng Quốc hội về việc hướng dẫn hoạt động của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Văn bản số 421/VPQH-TCCB ngày 07/3/2016 của Văn phòng Quốc hội về việc tổ chức bàn giao, tiếp nhận công chức, người lao động từ Ủy ban nhân dân tỉnh về Văn phòng Quốc hội. Trên cơ sở đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh đã xây dựng Đề án số 97/ĐA-VP ngày 09/3/2016  về việc tách Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai để đề nghị cơ quan thầm quyền thành lập 02 Văn phòng: Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh. Dự kiến lộ trình thực hiện bàn giao sẽ được thực hiện cuối tháng 4/2016. Đối với bộ phận Văn phòng thuộc khối tham mưu, giúp việc cho Hội đồng nhân dân tỉnh hiện đang chờ Văn bản thành lập và hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy để triển khai thực hiện. 

    Việc thay đổi nhiều lần về tổ chức, bộ máy mô hình Văn phòng giúp việc cho cơ quan dân cử đã ảnh hưởng phần nào đến tính ổn định trong thực hiện nhiệm vụ được pháp luật quy định. Tuy nhiên, lần thay đổi này được trông đợi từ lâu vì những khó khăn, bất cập của mô hình Văn phòng chung. Đánh giá chung về mô hình Văn phòng giúp việc qua các thời kỳ cho thấy Văn phòng riêng (gọi là Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH) như thời kỳ 2005-2008 là phù hợp nhất, cơ cấu tổ chức bộ máy gọn nhẹ, chức năng nhiệm vụ rạch ròi nên hoạt động hiệu quả nhất. Lý luận và thực tiễn đều chứng minh việc tách Văn phòng là chủ trương đúng đắn, khách quan, hợp quy luật. Chính vì vậy, việc thực hiện chủ trương này chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao trong tổ chức và hoạt động tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH và cho HĐND tại cấp tỉnh trong thời gian tới.

    Kim Chung