Trong nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã thực hiện một khối lượng công việc khá lớn, đã tổ chức thành công 18 kỳ họp và 02 kỳ họp diễn tập khu vực phòng thủ dân sự. Các kỳ họp đã có nhiều đổi mới, cải tiến giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí nhưng vẫn đảm bảo tạo thuận lợi để đại biểu HĐND có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu, giúp nâng cao chất lượng của kỳ họp. Căn cứ vào khối lượng công việc thực hiện trong mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh xây dựng chương trình kỳ họp phù hợp, khoa học, đảm bảo chương trình đã đề ra. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên, HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thường lệ. Nội dung lựa chọn là những vấn đề được nhiều cử tri và nhân dân quan tâm. Trước kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát về việc thực hiện Nghị quyết chất vấn tại kỳ họp trước, từ đó đã tác động lớn, tích cực đến việc thực hiện trách nhiệm và lời hứa của các cơ quan có thẩm quyền. Công tác thông tin, công khai về hoạt động HĐND được chú trọng với trên 80% thời gian của các kỳ họp thường kỳ được truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, giám sát.
Trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã ban hành 200 Nghị quyết, trong đó: Có 40 nghị quyết về công tác nhân sự; 68 nghị quyết thường kỳ về mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, về ngân sách Nhà nước, về tổ chức bộ máy, biên chế hành chính và về hoạt động của HĐND tỉnh; 92 nghị quyết chuyên đề phục vụ cho công tác quản lý, điều hành tại địa phương. Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành đảm bảo đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn tại địa phương; tạo điều kiện thuận lợi, cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh; tác động tích cực đến việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Nhìn chung, việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã mang lại những kết quả tích cực, được sự nhất trí cao từ các đại biểu trong kỳ họp đến cơ quan triển khai thực hiện và đối tượng thụ hưởng, thể hiện rõ HĐND tỉnh khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 đã thực hiện tốt nhiệm vụ được cử tri tin tưởng giao phó.
Cử tri tham dự Hội nghị TXCT chuyên đề tôn giáo
Hoạt động giám sát tại kỳ họp được thực hiện theo luật định thông qua việc xem xét báo cáo của các đơn vị, thẩm tra, chất vấn và việc lấy phiếu tín nhiệm. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trình ra Hội đồng nhân dân báo cáo kết quả hoạt động của mình. Tại kỳ họp thường kỳ giữa năm và cuối năm, Thường trực HĐND, các ban HĐND, UBND tỉnh, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có báo cáo về kết quả hoạt động của mình. Các Ban HĐND tỉnh căn cứ lĩnh vực phân công thực hiện thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình trình kỳ họp, từ đó có những nhận định, đánh giá giúp đại biểu HĐND có thêm thông tin trước khi quyết định. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức thảo luận tổ đại biểu trước kỳ họp và bố trí thời gian hợp lý cho việc thảo luận tại kỳ họp nhằm giúp cho đại biểu nghiên cứu sâu, tham gia nhiều ý kiến, qua đó, đánh giá một cách chi tiết, cụ thể và chính xác về những kết quả đạt được và kiến nghị những biện pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác của HĐND, UBND, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp là hoạt động được HĐND tỉnh quan tâm; trong nhiệm kỳ, đã tổ chức 10 lần chất vấn tại các kỳ họp đối với lãnh đạo UBND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh và Thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh. Nội dung chất vấn là những vấn đề bức xúc trong dư luận và cử tri quan tâm liên quan đến chính sách pháp luật và việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Kể từ kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, làm cơ sở để UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời phân công trách nhiệm của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, giám sát việc thực hiện. Với cách làm này đã tạo nên hiệu quả cao, tác động tích cực vào công tác quản lý, điều hành nhà nước ở địa phương. Nhiệm kỳ 2011-2016 là nhiệm kỳ đầu tiên HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 của Quốc hội. HĐND tỉnh đã triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm theo đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ; có báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tỉnh ủy theo quy định.
Hoạt động giám sát giữa 2 kỳ họp của HĐND tỉnh được quan tâm chú trọng theo hướng nâng cao chất lượng nhưng vẫn chủ động giám sát những nội dung từ tình hình thực tế phát sinh giúp cho HĐND có thêm thông tin để đưa ra những quyết định tại kỳ họp. Phát huy những kết quả từ hoạt động thí điểm trong nhiệm kỳ 2004-2011, nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND tỉnh tiếp tục triển khai giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh; qua đó góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức HĐND và đại biểu HĐND theo quy định pháp luật. Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về giám sát về việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của các tổ chức HĐND. Trong cả nhiệm kỳ, Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức thực hiện 601 cuộc khảo sát, giám sát liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, trong đó giám sát việc thực hiện Nghị quyết của HĐND luôn là nội dung được quan tâm hàng đầu. Việc theo dõi kiến nghị sau giám sát được quan tâm giúp cho việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND đúng theo tinh thần Nghị quyết đã đề ra.
Tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm. Thường trực HĐND tỉnh duy trì tiếp công dân của đại biểu chuyên trách định kỳ hàng tuần. Các tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp Thường trực HĐND bố trí cho đại biểu tiếp công dân định kỳ hàng tháng. Trong công tác tiếp công dân, đại biểu chú trọng lựa chọn vụ việc phức tạp, bức xúc để tổ chức tiếp nhằm nắm rõ và kiến nghị xử lý, giải quyết dứt điểm. Trong nhiệm kỳ, các đại biểu đã tiếp 1.050 lượt công dân đến khiếu nại tố cáo, phán ánh, kiến nghị. Qua đó, đại biểu HĐND tỉnh thu thập ý kiến phản ánh, kiến nghị của công dân và kịp thời giải thích, trả lời cho công dân theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động tiếp công dân và thông qua đường bưu điện, trong nhiệm kỳ 2011-2016, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 2.498 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, trong đó có văn bản trả lời, hướng dẫn cho công dân 124 đơn, chuyển 998 đơn đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, trả lời. Thường trực HĐND phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh duy trì các buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân
Tiếp xúc cử tri của đại biểu được tổ chức trước và sau các kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật. Thường trực HĐND, các Tổ đại biểu đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQVN các cấp, Thường trực HĐND cấp huyện bố trí cho đại biểu tiếp xúc cử tri theo quy định. Tiếp xúc cử tri nơi cư trú được lồng ghép với tiếp xúc cử tri nơi ứng cử; có 100% đại biểu tiếp xúc cử tri nơi cư trú ít nhất 1 lần trong năm. Tài liệu cho đại biểu tiếp xúc cử tri được chuẩn bị kịp thời, chu đáo. Qua các đợt tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp, đã có 71.984 lượt cử tri tham dự tại 1.591 lượt điểm; tổng cộng đã có 8.873 lượt ý kiến, kiến nghị phản ánh của cử tri tại các buổi tiếp xúc, trong đó có 1.130 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Việc tổng hợp ý kiến cử tri và trả lời ý kiến cử tri được Thường trực HĐND và UBND tỉnh quan tâm để chuyển UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xử lý, giải quyết theo thẩm quyền và trả lời cho cử tri. Trong nhiệm kỳ, tiếp xúc cử tri chuyên đề được chú trọng; Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức tốt 05 đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề. Đặc biệt, HĐND tỉnh Đồng Nai là đơn vị đầu tiên trong cả nước tổ chức tiếp xúc với cử tri tôn giáo. Đây là việc làm cần thiết và phù hợp với đặc điểm tình hình của Đồng Nai. Thông qua các hình thức tiếp xúc, tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị của cử tri được ghi nhận, xử lý đạt kết quả 100% và thông tin đến cử tri và nhân dân biết, thực hiện và đồng thuận với các chủ trương, chính sách của nhà nước.
Ngoài các hoạt động chủ yếu nêu trên, HĐND tỉnh khóa VIII đã triển khai thực hiện tốt công tác phối hợp với UBND tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, kịp thời cho công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Tổ chức trao đổi, tập huấn kinh nghiệm hoạt động HĐND các cấp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức HĐND và đại biểu HĐND trong nhiệm kỳ. Phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh trong công tác xây dựng pháp luật và triển khai pháp luật; đặc biệt đã phối hợp thực hiện tốt việc lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung và việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013.
Hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ qua đạt nhiều kết quả, hiệu quả cao trước hết là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng; sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động HĐND tỉnh với hoạt động HĐND cấp huyện và giữa Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh đã thể hiện được vai trò nòng cốt trong việc tổ chức, điều hoà, phân công, phối hợp mọi hoạt động thường xuyên của HĐND tỉnh. Luôn bám sát chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Đảng đoàn HĐND và giữ mối quan hệ chặt chẽ với UBND tỉnh, các cơ quan nhà nước, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội và công dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thường xuyên nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức các hoạt động của HĐND tỉnh, nhất là công tác chuẩn bị nội dung và tổ chức các kỳ họp của HĐND; tổ chức các hoạt động giám sát; phối hợp với UBND tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; phân công, điều hoà, phối hợp hoạt động của các Ban HĐND; tiếp dân định kỳ hàng tháng và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… Qua đó thể hiện, Thường trực HĐND tỉnh đã từng bước nâng cao được hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng ở địa phương.
Hoạt động của các Ban HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả. Các Ban HĐND tỉnh luôn bám sát nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình hoạt động và chương trình giám sát để xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của mình. Xây dựng quy chế hoạt động và phân công, phân nhiệm cụ thể. Duy trì sinh hoạt Ban định kỳ hàng quý để đánh giá hoạt động theo quy chế. Đổi mới trong phương thức thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của HĐND, trong đó chú trọng khảo sát, giám sát liên quan đến nội dung thẩm tra; tham gia góp ý ngay trong quá trình xây dựng các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết HĐND, qua đó chất lượng công tác thẩm tra ngày càng được nâng cao. Chú trọng, tăng cường hoạt động giám sát theo chương trình đề ra và theo yêu cầu thực tiễn địa phương được dư luận quan tâm. Thường xuyên giữ mối quan hệ phối hợp với Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện trong hoạt động giám sát và trao đổi kinh nghiệm hoạt động.
Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng quý, năm. Phối hợp với Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã bố trí cho đại biểu tiếp công dân và tiếp xúc cử tri theo quy định. Triển khai hoạt động giám sát của Tổ theo chương trình, kế hoạch đảm bảo ít nhất 1 cuộc trong quý liên quan đến việc thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh và việc thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn cấp huyện. Duy trì sinh hoạt định kỳ hàng quý và trước các kỳ họp thường kỳ để đánh giá kết quả hoạt động, gắn với tổng hợp ý kiến cử tri, đăng ký nội dung chất vấn, đánh giá kết quả hoạt động, bình xét thi đua của Tổ đại biểu và Đại biểu HĐND tỉnh.
Đại biểu HĐND tỉnh có trình độ, năng lực, vận dụng tốt, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực hoạt động, thể hiện trách nhiệm của người đại biểu trước nhân dân; gần gũi quần chúng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và phản ánh trung thực với HĐND tại các kỳ họp; tham dự đầy đủ các kỳ họp, tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để HĐND xem xét, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; tham gia tích cực các hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban và các Tổ đại biểu; tham gia tiếp công dân, tiếp xúc cử tri theo phân công của Tổ đại biểu; thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ của Tổ đại biểu.
Tóm lại, trong nhiệm kỳ 2011-2016, hoạt động HĐND tỉnh có nhiều đổi mới cả về phương thức và nội dung hoạt động. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh được nâng lên. HĐND tỉnh trong nhiệm qua tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của mình, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra.
Đình Chính