Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021

Đăng ngày: 07/04/2021
​Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng với sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế, xã hội quý I năm 2021 tiếp tục xu hướng phục hồi, ổn định và đạt được những kết quả tích cực.

​      Nghị quyết đánh giá, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 4,48% (quý I năm 2020 tăng 3,68%), là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sản xuất công nghiệp tăng 6,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1%. Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Thu ngân sách nhà nước đạt 30,1% dự toán năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 24,1%; xuất siêu trên 2 tỷ USD. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, trong quý I có trên 29 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký tăng 27,5%.

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và bảo đảm đời sống cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tập trung khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan trên diện rộng. Các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã tích cực nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được kiểm soát ở trong nước nhưng trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu và các quốc gia; qua đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, đặc biệt là các ngành thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch.... Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Tình trạng tội phạm, bạo lực học đường có xu hướng gia tăng ở một số địa phương...

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid-19; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, trong đó tập trung một số nội dung trọng tâm sau đây:

Ban hành các chương trình hành động, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm, hiệu quả yêu cầu “5K”, quản lý chặt chẽ việc cách ly y tế, nhất là đối với người nhập cảnh; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại trong cộng đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính năm 2021, bám sát các chủ trương của Đảng và quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thú tướng Chính phủ đối với từng nội dung, lĩnh vực cải cách hành chính.

Tập trung nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu về xây dựng Chính phủ điện tử tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ; chủ động kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan khác theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; triển khai ngay một số nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Công văn số 1250/VPCP-KSTT ngày 25/02/2021 của Văn phòng Chính phủ; thực hiện nghiêm túc báo cáo điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2020/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ; hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin.

Lê Lài