Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, hình thức giám sát
đa dạng hơn, nội dung giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức có nhiều
sáng tạo, đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực. Các lĩnh vực, nội dung giám sát
trong thời gian qua xuất phát và tập trung vào việc giải quyết những bức xúc,
kiến nghị liên quan trực tiếp đến người dân, trên cơ sở xây dựng kế hoạch thực
hiện một cách khoa học, sát với yêu cầu và điều kiện thực tế, bảo đảm tính khả
thi. Qua
5 năm tổ chức triển khai thực hiện, Ủy ban MTTQ Việt
Nam tỉnh tổ chức giám sát 28 cuộc với 10 nội dung. Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố tổ chức giám sát 79 nội dung
tại 159 đơn vị. Kết thúc giám sát, các đoàn giám sát đều có
báo cáo tổng hợp, thông báo kết quả và đề xuất những nội dung kiến nghị cụ thể
gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung chính
sách, quy định hoặc chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thực hiện các kiến nghị của Ủy
ban MTTQ Việt Nam các cấp.
Ủy ban MTTQ Việt Nam
các cấp đã triển khai các hình thức giám sát, trong đó tăng cường phối hợp giám
sát với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Viện
kiểm sát nhân dân các cấp theo quy định. Hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu
tư của cộng đồng dần đi vào nề nếp, chất lượng hoạt động giám sát ngày càng được
nâng cao.
Nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thanh tra
nhân dân
tổ chức giám sát được 2.193
cuộc;
Ban giám sát đầu tư của cộng đồng giám
sát được 3.107 cuộc đối với
các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Các
tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tỉnh, đặc biệt là các tổ chức chính trị -
xã hội đã phát huy được vai trò chủ động, tiên phong trong việc đại diện, bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thành viên, hội viên của tổ chức mình
trong hoạt động giám sát; bước đầu phát huy được vai trò của chuyên gia, người
có uy tín, có kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng giám sát của MTTQ Việt
Nam tỉnh trong những năm qua.
Bên cạnh đó, cùng với sự tham gia, phối hợp của
Thường trực, các Ban HĐND các cấp, Ủy ban MTTQ đã tổ chức phản biện được 15 dự
thảo nghị quyết của HĐND tỉnh như: Quy định hỗ trợ một phần
kinh phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh
khó khăn, người nhiễm HIV; quy định số lượng, chức danh, chế độ, chính sách đối
với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (khu phố); đề án hỗ trợ
doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025; danh mục
các dự án thu hồi đất, các dự án đầu tư công…; tổ chức góp ý, phản biện xã hội 27 dự thảo Nghị
quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và các Nghị Quyết của HĐND cấp huyện hàng
năm.
Năm 2019, MTTQ các cấp được cấp ủy giao chủ trì góp ý, phản biện phản
biện văn kiện trình đại hội Đảng cùng cấp và đã tổng hợp hàng trăm lượt ý kiến
góp ý, phản biện tâm huyết, đề xuất điều chỉnh nhiều giải pháp quan trọng trong
các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương với quy mô đại biểu
tham gia tương đối lớn và việc góp ý, phản biện có chiều sâu, chất lượng. Các
kiến nghị sau phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp được dư luận
đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu
và bổ sung vào các Nghị quyết, kế hoạch, đề án của tỉnh, huyện để triển khai thực
hiện.
Từ
những kết quả nêu trên, có thể nhận thấy hoạt động giám sát, phản biện xã hội
của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong
nhiệm kỳ vừa qua đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác
động thực tế, mang tính đổi mới, đột phá góp phần quan trọng trong công tác tham
gia xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương./.
Ngọc Diệp