VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
Đồng Nai là cửa ngõ thông ra khu vực phía Bắc của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là trung tâm giao thương các cùng kinh tế động lực của quốc gia (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ). Với vị trí như trên, Đồng Nai là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hệ thống các tuyến đường quốc lộ, đường sắt, đường cao tốc, đường thủy và đường hàng không quan trọng.
(Ảnh: Bản đồ hành chính tỉnh Đồng Nai)
Tỉnh Đồng Nai có địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu thuận lợi, quỹ đất phong phú và phì nhiêu, thích hợp để trồng các cây công nghiệp, cây lương thực, hoa màu, rau quả và phát triển sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, những thành tựu trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn với cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, hình thành các vùng chuyên canh với những cây nông nghiệp mang lại sản lượng và giá trị kinh tế cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng nhanh. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở hình thành các khu (tổ hợp) công - nông nghiệp - dịch vụ ở các địa phương có điều kiện để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ở từng địa bàn.
Diện tích đất tự nhiên là 586,361 ngàn ha, trong đó 47,87% diện tích phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà chủ yếu là cây công nghiệp lâu năm (cao su, điều, tiêu, cà phê). Diện tích đất ở đô thị đạt 1,11% và đất phục vụ sản xuất kinh doanh đạt 2,5% diện tích đất tự nhiên. Với quỹ đất lớn cùng với nhu cầu đô thị hóa và phát triển công nghiệp ngày càng tăng thì việc chuyển đổi một phần đất sản xuất nông nghiệp sang phục vụ công nghiệp và đô thị là cần thiết và phù hợp với thời điểm triển khai xây dựng quy hoạch chung và quy hoạch sử dụng đất theo Luật quy hoạch, trong đó cần xác định khu vực và loại hình đất chuyển đổi đảm bảo tính khả thi và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.
(Ảnh: Rừng ngập mặn khu vực Long Thành - Nhơn Trạch)
Đồng Nai có tiềm năng du lịch tự nhiên khá phong phú, đa dạng với hệ thống sông Đồng Nai và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới - Vườn quốc gia Cát Tiên, rừng ngập mặn Long Thành- Nhơn Trạch, những dòng suối, hồ, dòng thác đẹp, các di tích lịch sử - văn hóa - tâm linh và các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng… Với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đang được đầu tư xây dựng và tiềm năng sẵn có, tỉnh Đồng Nai định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế dịch vụ quan trọng với điểm nhấn là các mô hình du lịch sinh thái - văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, khu đô thị du lịch... và đã thu hút một số dự án lớn đầu tư tại địa phương.
QUY MÔ, CƠ CẤU NỀN KINH TẾ
Đồng Nai có dân số đông (3,2 triệu người), lực lượng lao động dồi dào (1,8 triệu người, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 65%) và quy mô thị trường lớn (quy mô GRDP theo giá thực tế năm 2020 đạt khoảng 376 ngàn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người năm 2020 theo giá hiện hành đạt 118,6 triệu đồng). Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 286 ngàn tỷ đồng và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 452,2 ngàn tỷ đồng.
Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 tiếp tục chuyển dịch phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm 61,02%; dịch vụ chiếm 21,36%; thuế sản phẩm từ trợ cấp chiếm 7,71%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9,92%. Cơ cấu theo thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và tăng dần tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT
Với vị trí là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành và đang đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại bao gồm các tuyến đường quốc lộ, đường sắt, đường cao tốc, tuyến đường kết nối liên tỉnh, hệ thống cảng biển và dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
(Ảnh: Các tuyến giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành)
Bên cạnh đó, để khai thác tốt lợi thế khi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác, Đồng Nai đã bổ sung quy hoạch hệ thống các tuyến đường giao thông kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, các tuyến đường giao thông kết nối với các khu công nghiệp và hệ thống cảng biển trên địa bàn, các dự án giao thông kết nối liên vùng; đồng thời, khai thác, huy động các nguồn vốn từ khai thác quỹ đất trên địa bàn để đầu tư xây dựng các dự án trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, xác định huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch là vùng động lực mới được để thúc đẩy phát triển kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ - thương mại, dịch vụ logistics, dịch vụ bất động sản.
Cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng với 11 đô thị, bao gồm 01 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa), 01 đô thị loại III (thành phố Long Khánh), 02 đô thị loại IV (thị trấn Trảng Bom và thị trấn Long Thành) và 7 đô thị loại V (thị trấn Gia Ray, thị trấn Định Quán, thị trấn Tân Phú, thị trấn Vĩnh An, thị trấn Dầu Giây, thị trấn Hiệp Phước và đô thị Long Giao). Từ tháng 01/2020, Đồng Nai triển khai vận hành thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh nhằm hướng tới xây dựng mô hình đô thị thông minh để nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ, tăng cường tính tương tác giữa chính quyền thành phố với người dân.
Đồng Nai có 32 Khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 10.220,45 ha; trong đó 31 KCN đang hoạt động thu hút được 41 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 1.881 dự án, trong đó 1.359 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 26,53 tỷ USD và 522 dự án trong nước với tồng vốn đầu tư 68.663 tỷ đồng; có 1.585 doanh nghiệp đi vào hoạt động và tạo việc làm cho 610.184 người. Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh chuẩn bị mời gọi đầu tư với diện tích còn lại theo quy hoạch là 8.584 ha (bao gồm thành lập 08 KCN mới và mở rộng 05 KCN), trong đó tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến nông sản. Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch 27 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.496,8 ha và trong 16 CCN đang hoạt động với tổng diện tích 922,2 ha đã có 190 dự án đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 63%.
(Ảnh: Sản xuất gốm tại Cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh)
CƠ SỞ HẠ TẦNG XÃ HỘI
Trong thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ các đối tượng chính sách, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và giảm nghèo bền vững (tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 chỉ còn 0,41%), công tác xã hội hóa giáo dục - y tế đạt kết quả tốt cùng với cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư; chất lượng khám, chữa bệnh và điều kiện phục vụ người bệnh được nâng lên (năm 2020 đạt tỷ lệ 8,2 bác sĩ/vạn dân và 30 giường bệnh/vạn dân).
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định là cơ sở quan trọng để tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý nhà nước về quốc phòng an ninh đi vào nề nếp với lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ được xây dựng vững mạnh, công tác tư pháp và nhiệm vụ cải cách hành chính được tăng cường triển khai thực hiện.
MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH VÀ CHẤT LƯỢNG ĐIỀU HÀNH CỦA HỆ THỐNG CHÍNH QUYỀN TỈNH ĐỒNG NAI
Môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền tỉnh Đồng Nai đã được cải thiện tốt trong giai đoạn 2015-2019 với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp hạng 23/63 tỉnh thành phố (năm 2015 xếp 37/63 tỉnh, thành; năm 2016 xếp 34/63 tỉnh, thành; năm 2017 và 2018 xếp 26/63 tỉnh, thành; năm 2019 xếp 23//63 tỉnh, thành). Chỉ số PCI của Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực trong nhiều tiêu chí, cụ thể là chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, tính minh bạch, đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó chỉ số Chi phí thời gian có mức tăng trưởng ấn tượng đạt 8,02 điểm (xếp hạng 7/63 tỉnh thành) cho thấy thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ công giảm nhiều so với các năm trước.
Bên cạnh đó, Đồng Nai đã vươn lên nhóm 16 tỉnh, thành đạt điểm trung bình cao về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trong năm 2019 từ nhóm tỉnh có chỉ số trung bình thấp trong giai đoạn 2016-2018. Chỉ số PAPI của Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, cung ứng dịch vụ công và thủ tục hành chính công; việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân.
Với những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, quy mô nền kinh tế, cơ sở hạ tầng xã hội và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ và dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang được triển khai xây dựng cùng với môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện và nỗ lực của hệ thống chính quyền, Đồng Nai đang có lợi thế, điều kiện và động lực để phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, cửa ngõ giao thông quốc tế - một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Tuấn Anh