Theo đó, tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công, mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực trong xã hội; cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt: tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ và trẻ em giảm. Cụ thể, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 71,6% năm 2011 lên 73,95% vào năm 2020. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 7,29% năm 2011 giảm xuống còn 6,64% năm 2020. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2010 là 12,4% đến năm 2019 giảm xuống còn 6,7%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2011 là 28,9% đến năm 2019 giảm xuống còn 23,3%. Tỷ lệ phá thai ngoài ý muốn từ 16,3% năm 2011 giảm xuống còn 10,8% năm 2020. Tỷ suất chết mẹ còn 4,4/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2020.
Thách thức đặt ra của vấn đề chất lượng dân số và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội hiện nay là tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức 108 - 109 bé trai/100 bé gái, đây là mức tiệm cận với nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh và đang tiếp tục có xu hướng tăng cho thấy nguy cơ tiềm ẩn trong việc lựa chọn giới tính thai nhi. Các chính sách khuyến khích động viên các gia đình sinh con một bề là gái khó thực hiện do dân số đông và cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều ngành, trong khi ngân sách hàng năm rất hạn chế. Với 70% dân số trong độ tuổi sinh đẻ thì nhu cầu chăm sóc SKSS/KHHGĐ chăm sóc sức khỏe tình dục, phòng vô sinh... là rất lớn. Bên cạnh đó, tình trạng nạo phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân không quản lý được, gây ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tăng tỷ lệ vô sinh...Dân số đông chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ, trong khi chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ riêng của tỉnh cho việc thực hiện sàng lọc trước sinh cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp, điều này làm tăng nguy cơ sinh ra trẻ dị tật bẩm sinh…
Để nâng cao chất lượng dân số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến 2030, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, bảo đảm thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và sự ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế, đưa tỉ so giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên. Đa dạng các loại hình truyền thông, vận động phù hợp với tình hình dân số, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc trưng của từng địa phương. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số. Bảo đảm nguồn lực cho công tác nâng cao chất lượng dân số. Huy động các nguồn đầu tư từ cộng đồng, doanh nghiệp, tư nhân cho công tác dân số…
Lê Lài