(Ảnh: Tổng hợp các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX giai đoạn 2016-2020)
MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN
Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng cả về điểm số và thứ hạng (xếp hạng 20/63 tỉnh thành) đã thể hiện cảm nhận của doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thích hợp để phát triển kinh tế.
Chỉ số PCI của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 đã có những chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tính năng động của chính quyền tỉnh, Thiết chế pháp lý, Chi phí không chính thức và Chi phí thời gian, Tiếp cận đất đai và Cạnh tranh bình đẳng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đánh giá rất cao sự năng động của chính quyền tỉnh Đồng Nai với hệ thống pháp lý hiệu quả, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và chi phí không chính thức ngày càng giảm; doanh nghiệp được hỗ trợ các dịch vụ và tiếp cận đất đai để hoạt động lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng và kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa đánh giá cao về chính sách đào tạo lao động địa phương và chi phí gia nhập thị trường còn cao cùng với tính minh bạch có cải thiện rất ít (chỉ tăng 0,09 điểm).
Riêng năm 2020, tỉnh Đồng Nai đã phấn đấu đạt hạng 20/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2019) nhưng còn một số chỉ tiêu giảm như Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Gia nhập thị trường. Điều này cho thấy doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn của chính quyền và cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
(Ảnh: Sản xuất gốm tại Cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa)
TIẾP TỤC NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Đồng Nai năm 2020 đạt 41,51 điểm, thuộc nhóm Trung bình thấp, giảm 1,43 điểm và 01 nhóm hạng so với năm 2019. Trong 08 tiêu chí của chỉ số PAPI có 02 tiêu chí của chỉ số PAPI thuộc nhóm Cao nhất (Quản trị điện tử xếp hạng 6/63 và Thủ tục hành chính công xếp hạng 15/63), 02 tiêu chí thuộc nhóm Trung bình cao (Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công), 03 tiêu chí thuộc nhóm Trung bình thấp (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Quản trị môi trường) và 01 tiêu chí thuộc nhóm Thấp nhất (Cung ứng dịch vụ công xếp hạng 54/63).
Trong giai đoạn 2016-2020, chỉ số PAPI tỉnh Đồng Nai vẫn thuộc nhóm Trung bình thấp, cho thấy tuy hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách đến cấp cơ sở và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương có cải thiện nhưng chưa đáp ứng được những kỳ vọng và hài lòng của người dân so với một số địa phương khác. Cụ thể, có 04/8 tiêu chí có tăng nhóm hạng gồm: Trách nhiệm giải trình với người dân (tăng 02 hạng từ Thấp nhất lên Trung bình cao); Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Thủ tục hành chính công và Quản trị điện tử (tăng 01 hạng). Tuy nhiên, tiêu chí Cung ứng dịch vụ công giảm nhóm hạng từ nhóm Cao nhất xuống nhóm Thấp nhất trong năm 2020 cho thấy người dân chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ công (như cơ sở hạ tầng, chất lượng giáo dục và an ninh trật tự..), đồng thời, cần tăng cường công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến quy hoạch và các chính sách của nhà nước để người dân tiếp cận thông tin và thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát cộng đồng.
(Ảnh: Ứng dụng DNAI.LIS giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh)
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Đồng Nai năm 2019 (PAR INDEX) đạt 81,99 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù một số lĩnh vực, tiêu chí có cải thiện nhưng mức độ cải thiện chưa đáng kể so với các địa phương khác trên cả nước và còn một số hạn chế cần khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Trong đó, tập trung nhiệm vụ về cải cách tài chính công, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiện đại hóa nền hành chính. Bên cạnh đó, thực hiện rà soát kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) để có giải pháp cải thiện mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công, công khai thủ tục hành chính và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
(Ảnh: Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai thành lập năm 2017 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công)
Kết quả đánh giá các chỉ số đánh giá, xếp hạng đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2016-2020 đã thể hiện toàn diện các đánh giá của người dân (Chỉ số PAPI), doanh nghiệp (Chỉ số PCI ) và cơ quan nhà nước cấp trên (Chỉ số PAR INDEX của Bộ Nội vụ) về môi trường kinh doanh, hiệu quả quản trị và chất lượng nền hành chính công, nhiệm vụ cải cách hành chính của chính quyền địa phương. Đó là những thông tin vô cùng hữu ích để các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát huy những ưu điểm và khắc phục các hạn chế nhằm mục tiêu xây dựng một nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, doanh nghiệp hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025 để xây dựng tỉnh Đồng Nai ngày càng giàu mạnh.
Tuấn Anh