Thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành báo cáo tiền khả thi Dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú

Đăng ngày: 24/06/2021
     Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 975/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT.  
     ​Theo quyết định, Hội đồng thẩm định liên ngành có Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các thành viên của Hội đồng gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.
    Trách nhiệm, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của Hội đồng thẩm định liên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Nghị định số 35/2021/NĐ-CP).

     ​Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các thành viên khác của Hội đồng và nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và bố trí kinh phí thẩm tra và thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo quy định.

cao tốc liên lkhuongw.jpg
(Ảnh: Đoạn Liên Khương - Đèo Prenn thuộc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đã được đầu tư xây dựng)

     ​Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2030. Theo quy hoạch, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có chiều dài 200km, khi đầu tư đủ tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, mặt cắt ngang 25m phải cần nguồn vốn đầu tư lên đến 65.000 tỷ đồng. Dự án bắt đầu tại nút Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và kết thúc tại chân đèo Prenn, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần gồm: Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.  

     ​​Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 thuộc dự án nhóm A với tổng chiều dài dự kiến khoảng 61,1km đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Dự án có điểm đầu giao với quốc lộ 1, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất và điểm cuối giao cắt với quốc lộ 20, đoạn thuộc xã Phú Trung, huyện Tân Phú. Dự án được đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/giờ.​

dầu giây - tân phú.jpg
(Ảnh: Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất)

     ​Tuấn Anh