Đánh giá kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Đăng ngày: 06/07/2021
​Tổng số tiền đã chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất khoảng 10.000 tỷ đồng.

​     Tỉnh Đồng Nai đã thực hiện thu hồi tổng diện tích 44.775,56ha đất với 38.364 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, trong đó đã giải quyết tái định cư cho 3.196 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất khi thực hiện các dự án. Tổng số tiền đã chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất khoảng 10.000 tỷ đồng (bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm..); đã giải quyết việc làm cho 1.250 người.
    Luật Đất đai 2013 đã quy định cụ thể thẩm quyền thu hồi đất, lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc chi trả, giải quyết khiếu nại, trong đó đã quy định cụ thể về nguyên tắc bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất. Nguyên tắc dân chủ đã được đề cao thông qua việc quy định về thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất bị thu hồi; họp phổ biến, niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Những quy định trên đã đẩm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ, giảm thiểu đáng kể thắc mắc, khiếu nại của người dân.
   IMG_0845.JPG
                 Pháp luật đất đai quan tâm đặc biệt việc bảo vệ quỹ đất trồng lúa


   Việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư đã được chú trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc đầu tư, kết nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, góp phần ổn định cuộc sống của người dân tại nơi ở mới và phân bố lại dân cư cho phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
    Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đượ nhìn nhận bao gồm: Tình trạng khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn khá phổ biến, chiếm phần lớn các vụ khiếu nại, khiếu kiện nói chung. Các vụ khiếu nại, khiếu kiện đông người, phức tạp vẫn còn, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội và phát triển kinh tế nói chung.
    Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn nhất, mất nhiều thời gian nhất trong quá trình triển khai đầu tư thực hiện các dự án, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội.
    Những nguyên nhân chính đó là: Việc xác định giá đất cụ thể để bồi thường: Luật Đất đai 2013 đã quy định khi bồi thường cho người có đất bị thu hồi phải xác định giá đất cụ thể và do UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, những ràng buộc về bảng giá đất, khung giá đất, giá đất cụ thể, việc điều chỉnh bảng giá đất… đã làm cho việc xác định giá đất cụ thể để bồi thường (đặc biệt là đất nông nghiệp) không sát với giá thực tế trên thị trường. đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu nại phổ biến xảy ra trên thực tế hiện nay. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho người dân chưa được giải quyết đầy đủ và hiệu quả. Quy định hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm với ý nghĩa là hỗ trợ cho con người nhưng lại tính theo diện tích đất bị thu hồi là chưa hợp lý vì thực tế có nhiều hộ gia đình có nhiều nhân khẩu thuộc diện được hỗ trợ nhưng là hộ nghèo, diện tích đất bị thu hồi ít và nhiều trường hợp chỉ một cá nhân bị thu hồi đất nhưng có diện tích lớn.
     Việc bố trí tái định cư: Nhà nước không có quỹ đất để xây dựng sẵn các khu tái định cư. Để đầu tư xây dựng các khu tái định cư mới thì chính quyền các cấp phải thực hiện thu hồi đất đã có chủ sử dụng và lại phải có đất để bố trí tái định cư cho các hộ phải di dời ra khỏi khu tái định cư; chưa bố trí kịp thời kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng các khu tái định cư; thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản đối với khu tái định cư còn kéo dài. Do vậy, khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì đa số các dự án chỉ có nội dung phê duyệt về bồi thường, hỗ trợ nhưng thiếu nội dung bố trí tái định cư trong lúc Luật Đất đai 2013 quy định khu tái định cư phải có trước khu cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất. Đây là nội dung trên thực tế khó thực hiện và là một trong những nguyên nhân khiếu nại của người dân.
      Về nguồn kinh phí để chi trả: Nhiều dự án chủ đầu tư chậm chuyển kinh phí hoặc thiếu kinh phí để chi trả cho người bị thu hồi đất. Đối với các dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách của địa phương, Luật Đất đai năm 2013 không quy định việc bắt buộc chủ đầu tư phải tạm ứng trước kinh phí để chi trả bồi thường, hỗ trợ nên khi chủ đầu tư không bố trí được kinh phí để chi trả thì không thể triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.
    Quy định về loại dự án thuộc diện thu hồi đất và không thuộc diện thu hồi đất chưa được rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là các dự án sản xuất kinh doanh, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại khi thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái dịnh cư.

Nguyễn Thị Oanh