Quốc Hội thảo luận về công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2021

Đăng ngày: 25/10/2021
​Theo chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2021. 
 

​Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đồng tình với các báo cáo và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng. Sau 3 năm triển khai áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng, 2 năm thực hiện mở rộng phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài nhà nước, tình hình tham nhũng được kiềm chế, từng bước thuyên giảm. 

 10.1 QH thao luan ve công tác thi hành án.jpeg
Quang cảnh họp trực tuyến tại Quốc hội

Các đại biểu cho rằng, điểm đổi mới, nổi trội, đóng góp lớn vào kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2021 là trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng có thể chuyển ngay đến cơ quan điều tra, không cần chờ đến khi kết thúc thanh tra. Điểm đổi mới này góp phần ngăn chặn kịp thời hậu quả, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.

Trong năm 2021, số vụ thanh tra hành chính, thanh tra và kiểm tra chuyên ngành đều giảm, nhưng mức độ vi phạm về kinh tế lại tăng. Ngoài ra, số cuộc thanh tra, kiểm tra ở khu vực ngoài nhà nước trong năm vừa qua giảm, nhưng số vụ việc phát hiện tham nhũng lại tăng... Đại biểu kiến nghị cần phân tích, làm rõ nguyên nhân việc gia tăng này là do chọn đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra; do đổi mới phương pháp thanh tra; hay do tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có xu hướng gia tăng.

 10 QH thao luan ve công tác thi hành án.jpg
Ông Quản Minh Cường - Phó ​Bí thư TU, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai điều hành buổi họp trực tuyến 

Bên cạnh đó, với vấn đề xử lý những vụ việc và đối tượng tham nhũng liên quan đến hỗ trợ, an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, xử lý kịp thời, dứt điểm, kiên quyết không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, vì những vi phạm này không đơn thuần gây hậu quả về kinh tế, mà còn gây ra hậu quả về tinh thần, ý chí, tác động đến lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, ảnh hưởng đến việc huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các đại biểu đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó, Quốc hội cần giao cho Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, tháo gỡ những bất cập trong quy định về trách nhiệm và trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, tránh tình trạng các khiếu nại về hành vi hành chính, cơ quan hành chính lại do chính các cơ quan hành chính giải quyết, dẫn đến thiếu khách quan, thiếu nghiêm túc, chậm trễ trong việc giải quyết khiếu nại.

Nguyễn Hương