Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này đã sửa đổi, bổ sung khoản 6, Điều 17 về quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP), rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 2, Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 cũng sẽ được thay thế bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này. Kết cấu Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 3 cột: số thứ tự; mã số; nhóm, tên chỉ tiêu với 20 nhóm và 222 chỉ tiêu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình
Các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thời điểm công bố số liệu thống kê hàng năm đối với quốc gia và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội; thẩm quyền, trách nhiệm công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia; việc rà soát, bổ sung đảm bảo tính cân đối giữa các nhóm chỉ tiêu giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Đảng, các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu này, đại b;iểu đề nghị Cơ quan soạn thảo phải cụ thể hóa, công khai hóa quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện thu thập dữ liệu thống kê, phương pháp làm thống kê để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ các dữ liệu này; cần đặc biệt quan tâm đến việc phân cấp, phân quyền.
Đoàn ĐBQH tham gia buổi thảo luận
Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội đề nghị xem lại thẩm quyền công bố hay ủy quyền công bố theo luật định và trách nhiệm của người công bố; làm rõ giai đoạn, thời điểm sử dụng chỉ tiêu, áp dụng từ năm nào; bổ sung chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp” vì hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển kinh tế-xã hội trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và cấp tỉnh, cấp huyện, Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm đều có chỉ tiêu này; bổ sung chỉ tiêu thống kê người lao động dân tộc thiểu số thiếu việc làm, chỉ tiêu thống kê người tham gia cơ quan, quản lý cấp tỉnh, xã có bằng cấp chứng chỉ hay chưa và tỷ lệ người lao động thiểu số phi nông nghiệp; nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý với tổ chức, cá nhân thống kê số liệu không trung thực, chính xác, thiếu khách quan hoặc cố tình làm sai lệch số liệu...
Giải trình tại buổi thảo luận trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp hôm nay, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để rà soát và hoàn thiện dự án Luật này một cách tốt nhất.
Nguyễn Hương