Tại Phiên thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, nhiều đại biểu đánh giá cao việc lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã quyết định đưa nội dung về bảo hiểm xã hội để thảo luận toàn thể tại hội trường, khẳng định tầm quan trọng của các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội- một trong những trụ cột của an sinh xã hội.
Đánh giá về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu chỉ ra rằng, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan đã chủ động, tích cực trong việc kịp thời sửa đổi, ban hành các văn bản nhằm vừa đáp ứng công tác quản lý điều hành, vừa điều chỉnh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng khác trong việc thụ hưởng chế độ, tiếp cận chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhất là chính sách hỗ trợ đối tượng chịu sự tác động của đại dịch COVID-19.
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến góp ý
Các vị đại biểu cho rằng: vẫn còn một số chính sách, quy định đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống như: chính sách khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung; chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn nhiều vướng mắc bất cập nên mặc dù tồn quỹ lớn nhưng một bộ phận người lao động thuộc đối tượng chưa được hưởng chế độ chính sách kịp thời và tương xứng với mức độ ảnh hưởng do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế của Luật BHXH đã được chỉ ra nhưng vẫn chậm được đề xuất sửa đổi, bổ sung; trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH và ngành BHXH đã chủ động giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong năm 202. Hoạt động thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều tích cực, song cần đánh giá tổng thể hơn về kết quả, nhất là đối với việc thanh tra tại các doanh nghiệp, đơn vị tham gia BHXH để từ đó xác định cụ thể việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
Ngoài ra, việc phát triển lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp, trong bối cảnh tác động của COVID- 19 diễn biến phức tạp, việc thu BHXH bắt buộc gặp những khó khăn nhất định, lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc… Như vậy, sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc năm 2021 theo Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra; cần có sự vào cuộc rất tích cực từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các cấp. Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ; giúp người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng thực hiện, tiếp cận, thụ hưởng chế độ. Việc giải quyết và chi trả các chế độ BHXH được bảo đảm chính xác, cơ bản kịp thời, đúng quy định của pháp luật
Ngoài ra, tại Phiên thảo luận, các đại biểu cũng phân tích, cho ý kiến về các vấn đề: thu, nợ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp; chi trả Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tình hình kết dư Quỹ - Quỹ Ốm đau, thai sản; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp; Quỹ hưu trí, tử tuất; Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; việc đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội; chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.
Thu Hương