Dự thảo các Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Trong đó, một nguyên tắc quan trọng là các cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo.
Ngoài ra, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương...
Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế chính sách.
Cụ thể, các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với các tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh Nghệ An, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Còn với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là quá trình liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển. Thí điểm ở một số địa phương cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Quá trình thí điểm tốt, hiệu quả sẽ tổng kết, đánh giá và trở thành quy định có tính phổ quát chung và trên cơ sở nền tảng chung đó, ở giai đoạn phát triển cao hơn tiếp tục sẽ có những thể chế, chính sách khác.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chủ trương chung, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là "nâng trên và đỡ dưới", tức là với những địa phương có điều kiện, tiềm năng, phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách đột phá, mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện cho địa phương phát triển, tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác, cho vùng, cho cả nước. Đối với những địa phương còn khó khăn hơn thì sẽ có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ các địa phương vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác.
Nghị quyết Hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Nguyễn Hương