Dự án Luật điện ảnh (sửa đổi) được thảo luận tại Quốc hội

Đăng ngày: 30/10/2021
​Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 28 tháng 10 năm 2021, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). 
 

​Tại phiên họp toàn thể trực tuyến, đa số ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh. Đồng thời nhất trí và đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng như đánh giá cao dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 23 ý kiến đại biểu phát biểu và 01 ý kiến đại biểu tranh luận.

 ​5efc523cc.jpgToàn​ cảnh Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

 Thực tiễn sau 15 năm thi hành Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho thấy nhiều quy định hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, không tương thích với hệ thống pháp luật liên quan. Trong tình hình hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và mạng xã hội đã tác động, làm thay đổi cả về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim đến cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân, đòi hỏi cần phải sửa đổi Luật.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: mục đích, quan điểm xây dựng Luật; tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật; sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; bố cục của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh (thẩm quyền cấp phép phân loại phim; Hội đồng thẩm định và phân loại phim; phân loại phim; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh); sản xuất phim; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; hành vi bị nghiêm cấm; cấp phép đối với liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim… trên tinh thần phải đổi mới, thông thoáng hơn, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, khuyến khích toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh; việc cấp thiết cần phải có một bộ tiêu chí phân loại phim rõ ràng, định lượng, vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm kiểm duyệt, phân loại phim cũng thu hút sự quan tâm, thảo luận của các nhà làm chính sách, và giới điện ảnh.

Các ý kiến đại biểu thống nhất cho rằng trong bối cảnh số hóa và mỗi ngày có một lượng rất lớn phim được phổ biến, phát hành qua mạng Internet hiện nay, rõ ràng duy trì cơ chế, cách duyệt phim qua một hội đồng thẩm định phim là không phù hợp. Phương án 2 tại khoản 4, Điều 15 được đa số các đại biểu Quốc hội chọn và cần quy định hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước theo phương án gồm giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu để bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Thay mặt Cơ quan soạn thảo dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng bày tỏ tinh thần tiếp thu sâu sắc các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để cùng với Cơ quan thẩm tra nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 3.

Nguyễn Hương