Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19

Đăng ngày: 09/11/2021
​Sáng 08/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội tập trung thảo luận là báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên thảo luận.
 

​Phát biểu tại Phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, nhất quán của của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sức mạnh tổng hợp của mọi nguồn lực trong xã hội, các tổ chức chính trị, xã hội; sự ủng hộ của người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, có sự phối hợp, đồng hành, chia sẻ với Chính phủ của các cơ quan của Quốc hội để giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã tháo gỡ khó khăn về thể chế, bảo đảm kịp thời trong việc kiểm soát dịch bệnh.

 trinh xuan an.jpg
ĐBQH Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham gia phát biểu 

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, cho rằng cần tiếp tục đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc xin để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Theo đại biểu, đến thời điểm này, cả nước đã tiêm được gần 90 triệu liều. Đây là con số rất ấn tượng, khẳng định nỗ lực của ngành y tế. Tuy nhiên, số lượng tiêm đủ 2 liều vẫn còn xa so với mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch, khi số ca mắc đang có xu hướng tăng, biểu đồ dịch đang chuyển màu, cấp độ nguy cơ của đợt dịch mới đang hiện hữu, đại biểu kiến nghị cần tính toán đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine, nhất là ở các địa phương đang bùng dịch mạnh thì cần phải bao phủ vắc xin càng sớm càng tốt. Đồng thời, cần dự liệu phương án tiêm vắc xin mũi thứ ba và xúc tiến thuốc chữa Covid cho nhân dân.

Ngoài ra, tại buổi thảo luận các đại biểu tập trung đề cập đến một số nội dung cụ thể như: Nâng cao năng lực y tế cơ sở, trong dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư cho thấy, phần lớn các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh và thành phố, dẫn đến làm chậm trễ công tác xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch, khi dịch ở mức độ bùng phát; số lượng bác sĩ vẫn còn thấp, nhân lực y tế tại chỗ cũng chưa đáp ứng được thực tiễn; Chính phủ cần có chính sách khuyến khích hơn nữa về vật chất, tinh thần, khen thưởng, ghi công đối với các y bác sĩ, nhân viên y tế, những chiến sĩ áo trắng, cán bộ chiến sĩ quân đội, công an phải xa gia đình trong thời gian dài, chấp nhận hy sinh, kiên cường bám trụ, bất chấp hiểm nguy, chiến đấu quên mình vì sức khỏe, tính mạng của người dân; cần nghiên cứu xây dựng những quy định cụ thể về biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào công tác phòng chống dịch và các hoạt động thiện nguyện…

Nguyễn Hương