Tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới

Đăng ngày: 15/11/2021
​Để tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và đặc biệt là những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế, TTCP đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 28/10/2021 về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.​

​Theo chỉ thị, Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về Cuộc vận động bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp tới các co quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội, nhằm khuyến khích và ưu tiên thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới; Công bố thường xuyên, kịp thời danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Rà soát các chính sách, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; ứng dụng thương mại điện tử trong công tác mở rộng thị trưòng trong và ngoài nước; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động trong dự toán kinh phí hàng năm của Mặt trận Tố quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời có kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội hóa để hưởng ứng các hoạt động của Cuộc vận động tại địa phương. Tiến hành rà soát, lựa chọn các hàng hóa, sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương để xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu; tăng cường giao lưu, kết nối cung cầu hàng hóa cấp vùng, miền; gắn thực hiện Cuộc vận động với các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế, chương trình bình ổn thị trường ở địa phương; tập trung rà soát, bãi bỏ và cắt giảm các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa và tiêu dùng; chú trọng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh, hệ thống dịch vụ phân phối đưa hàng Việt Nam về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiêp cận và lựa chọn mua săm, sử dụng hàng hóa thưong hiệu Việt Nam.

Lê Lài