Chiều 4/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Đăng ngày: 07/01/2022
​Trong năm 2020-2021, do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế liên tiếp giảm ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025.Tình hình sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức về ổn định vĩ mô, lạm phát; chi phí đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy; nảy sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội...
 

​Theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu của chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là góp phần khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ đã được triển khai, đạt nhiều kết quả tích cực. Tính riêng năm 2021, đã huy động và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, các quỹ ngoài ngân sách với tổng quy mô đạt trên 269,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP. Triển khai quyết liệt các giải pháp tiền tệ - tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, duy trì thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào nhưng không làm tăng lạm phát. 

 5. Chiều 4 thảo luâ.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi thảo luận

Nhấn mạnh hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế rất cần thiết vào lúc này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều nước rất mạnh tay chi ngân sách cho phục hồi kinh tế. Với Việt Nam, khi bơm tiền cho nền kinh tế để phục hồi tăng trưởng, phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng, nhưng trong tầm kiểm soát, vì không còn cách nào khác. Trong đó, mục tiêu cao nhất phải giữ được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Trong gói này, Chủ tịch nước lưu ý ưu tiên, tăng nguồn lực đầu tư cho y tế, vì hệ thống y tế cơ sở đang quá yếu kém. Đối với gói hỗ trợ cho người lao động khu vực ảnh hưởng, cần đẩy nhanh, khẩn trương quyết liệt thực hiện để sớm đến tay người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, vì nhiều gói hỗ trợ còn chậm. “Phải làm sao hỗ trợ nhanh nhất, thuận tiện nhất và chống tham ô, lãng phí tốt nhất”, Chủ tịch nước lưu ý. Bên cạnh đó, cần giải pháp củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua đối thoại thường xuyên, giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, giữ chân họ ở thị trường Việt Nam, chấm dứt tình trạng “vừa rải thảm, vừa rải đinh”.

Về quy mô của các chính sách hỗ trợ được ban hành, theo Tờ trình của Chính phủ, tổng quy mô hỗ trợ của Chương trình gồm hỗ trợ tài khóa 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số giải pháp hỗ trợ dự kiến triển khai… nhưng chưa được tính toán cụ thể. Các Đại biểu đề nghị đánh giá tác động cụ thể hơn, đánh giá khả năng hấp thụ của nền kinh tế với các chính sách, đánh giá nhiều chiều việc thực hiện các chính sách nêu trên đến tăng trưởng kinh tế, cân đối vĩ mô, lạm phát, nợ xấu, ở đây chưa thể hiện được tác động đến lạm phát cụ thể; chưa có đánh giá đối với tình hình nợ xấu trong thời gian tới, vì vậy cần tính toán kỹ dư địa chính sách trong thời gian triển khai Chương trình và trong cả giai đoạn 2021-2025 để làm rõ khả năng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia. 

Các chính sách hỗ trợ đã được ban hành kịp thời, triển khai nhanh, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, người dân chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp từ dịch bệnh, kết hợp lồng ghép, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực ưu tiên, như miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ, thanh toán, giảm tiền điện, nước, cước viễn thông... Tuy nhiên, trước những khó khăn, tác động sâu rộng của dịch bệnh, cần phải có giải pháp, chính sách tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi và củng cố nền tảng, tạo đà tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Nguyễn Hương