Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Đăng ngày: 07/01/2022
​Chiều ngày 06/01/2022, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình kỳ họp bất thường, các tổ thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
 

​Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thuộc tổ số 20, tham gia phiên thảo luận các đại biểu nhất trí cao với với 02 nội dung nêu trên, tuy nhiên các đại biểu cũng quan tâm đến một số nội dung cụ thể: Các đại biểu tán thành xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam bằng nguồn ngân sách nhà nước; Về dự án theo quy mô 4-6 làn xe hoàn chỉnh. Tuy nhiên giai đoạn phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 17 m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp). Do đó, một số ý kiến đề nghị đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 24,75 m (bao gồm 2 làn dừng xe khẩn cấp) để phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về đường ôtô cao tốc, đồng thời bảo đảm hiệu quả trong việc khai thác, mở rộng về sau. Ý kiến khác cho rằng việc đầu tư Dự án theo quy mô mặt đường 24,75 m sẽ cần phải bổ sung thêm khoảng 50.000 tỷ đồng trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn hiện nay là khó khả thi, do đó tán thành với đề xuất của Chính phủ. Dự án triển khai cần đảm bảo đúng tiến độ, không được kéo dài đội vốn, cần tính toán phương án xây bến bãi tập kết vật liệu, đủ vật liệu để khi tiến hành thi công đủ, nhanh chóng, thuận lợi từ đó sẽ tránh được việc đội vốn giá vật liệu và cần có cơ chế đặc thù cho dự án này để nhanh chóng và chống thất thoát và chống nạn bán thầu...

 6. Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc.jpg
Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu Đồng Nai

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; Kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được tính toán, xác định tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ: Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra. Tuy nhiên , các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố Cần Thơ và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng các hình thức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, gia hạn tiền thuê đất. Tuy nhiên, các đại biểu nhấn mạnh không được lợi dụng để khai thác cát, khoáng sản…trong quá trình quản lý, triển khai cần đồng bộ, chặt chẽ.

Nguyễn Hương