Quốc hội thảo luận tổ về 08 dự thảo luật

Đăng ngày: 07/01/2022
​Sáng ngày 06/01/2022, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình kỳ họp bất thường, các tổ thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự
 

​Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thuộc tổ số 20, tham gia phiên thảo luận các đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đồng thời góp ý bổ sung thêm các quy định trong các dự án Luật. Các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời cho rằng, đây là dự án Luật lớn, tổng hợp nhiều chính sách quan trọng thuộc các lĩnh vực khác nhau; việc xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ và sự chủ động, năng động của Quốc hội đảm bảo tính kịp thời, tinh thần đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, vì lợi ích của đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.


 7. QUỐC HỘI THẢO LUẬN TỔ VỀ 08 DỰ THẢO LUẬT.jpg
Các vị đại biểu tham d​ự tại điểm cầu Đồng Nai

Về dự án Luật Điện lực: Các đại biểu quan tâm đến vấn đề giá bán lẻ cho các hộ gia đình, về độc quyền phân phối điện, về các tuyến đường 110kw do nhà nước đầu tư hạ tầng, tuyến 35kw giao cho tư nhân đầu tư phát triển…và các đại biểu quan tâm đến phát triển điện năng lượng mặt trời và vấn đề đảm bảo môi trường khi dùng nhiều điện năng lượng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu….

Về Luật Đầu tư cho phép chuyển nhượng dự án đầu tư nhưng không định nghĩa hoạt động “chuyển nhượng dự án đầu tư” là gì, kiến nghị cần thiết quy định cụ thể nhất là quyền và nghĩa vụ bên mua, bên bán. Thực tế nếu dự án đầu tư chưa hình thành pháp nhân là bán giá trị đã đầu tư vào dự án, là chuyển nhượng tài sản, quyền nghĩa vụ (công nợ) chủ đầu tư cũ chịu; nhưng nếu dự án đầu tư đồng thời cũng là pháp nhân (thường xuyên xảy ra đối với đầu tư nước ngoài) thì không có hành lang pháp lý về quyền nghĩa vụ (công nợ) phát sinh từ dự án; bổ sung phần chi phí đối với các dự án đã triển khai, đang triển khai thực hiện nhưng bị thu hồi cần làm rõ quy định trong luật đối với các chi phí hợp pháp của doanh nghiệp đã đầu tư trước đó. Việc sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài như vậy sẽ giảm thiểu được các thủ tục hành chính, mang lại hiệu quả phù hợp hơn.  

Dự án Luật doanh nghiệp,Các đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Các nội dung sửa đổi cần bám sát tinh thần phân cấp, phân quyền gắn liền với thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm với người đứng đầu trong triển khai thực hiện; khơi thông các nguồn lực, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp; tạo sự minh bạch, giảm thiểu các thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…Quy định Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành nhưng thực tế nhà nước chỉ giữ 51 % thì rất khó khăn, nên cân nhắc nội dung vào dự thảo luật là số phiếu biểu quyết là trên 50%, đồng thời cũng bổ sung về ký biên bản họp Hội đồng Quản trị cho chặt chẽ cần quy định  “các thành viên khác còn lại” đồng ý sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Đối với Luật Thi hành án Dân sự các đại biểu đề nghị cần xây dựng kho bảo quản vật chứng, các quản lý các vật chứng là thực phẩm, xăng dầu, đồ dễ hỏng, kim loại, sắt thép…, thẩm quyền của các cơ quan được giao bảo quản vật chứng chưa có quyết định xử lý, thành lập Cục thi hành án Dân sự khu vực đối với những địa phương có địa giới hành chính nhỏ; xác định tài sản của vợ chồng để thi hành án còn khó khăn; Đối với tài sản ở địa phương khác. Cơ quan thi hành án dân sự không được quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế mà phải ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản (Điều 55, 56, 57). Như vậy Cơ quan thi hành án dân sự không áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế tài sản ở địa phương khác thì đương sự sẽ tẩu tán tài sản ngay; nhất là các tài sản trong tài khoản gửi ngân hàng của đương sự.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Nguyễn Hương