​Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước 4 tháng đầu năm 2022 trên một số lĩnh vực

Đăng ngày: 29/05/2022
 ​Theo báo cáo số 774/BC-UBXH15 ngày 22/5/2022 của Ủy Ban Xã hội, cho thấy:​


1. Về lao động, việc làm

- Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2022 là 51,2 triệu người, tăng 0,79% (tăng hơn 0,4 triệu người) so với quý IV/2021 và tăng 0,39% (tăng khoảng 0,2 triệu người) so với cùng kỳ năm trước.

-  Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,0 triệu người, tăng 1,96% (tăng hơn 0,96 triệu người) so với quý IV/2021 và tăng 0,27% (tăng hơn 0,13 triệu người) so với cùng kỳ năm trước.

- Thu nhập bình quân của người lao động quý I/2022 tăng 1,0 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

- Đến hết tháng 4/2022, ước số người tham gia BHXH là 16.823 triệu người.

2. Về phòng, chống tệ nạn xã hội

- Công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn về Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), tập trung những nội dung liên quan đến cai nghiện ma túy đã được tăng cường.

- Công tác điều trị cai nghiện ma túy tiếp tục được nâng cao chất lượng; ngành lao động, thương binh và xã hội đã chủ động rà soát, đánh giá công tác quản lý người nghiện, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho công tác cai nghiện và điều trị phục hồi, tư vấn hướng nghiệp, học nghề và giới thiệu cho học viên cai nghiện ma túy.

- Tiếp tục duy trì, xây dựng mô hình hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, triển khai các dịch vụ trợ giúp dành cho người bán dâm hoàn lương trên cơ sở tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp, không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bán dâm.

 3. Về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

- Hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến có số mắc, tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số ca mắc COVID-19 kể từ đầu dịch đến ngày 19/5/2022 là 10.704.524 ca nhiễm[i], trong đó số ca mắc trong đợt dịch thứ 4 là 10.696.767 ca. Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, một số mục tiêu đề ra tại Chương trình như tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 đạt kết quả tốt. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước; tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Theo Nikkei Asia, Việt Nam tăng 30 bậc lên vị trí thứ 62, ngang bằng với Nhật Bản và Singapore về chỉ số phục hồi COVID-19.

- Y tế cơ sở tiếp tục được quan tâm, đầu tư, trong đó tăng số trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao và các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phù hợp với yêu cầu y tế; điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên mức 100%.

- Chất lượng KCB tiếp tục được cải thiện, ban hành các hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế, KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

4. Về công tác dân số

Việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển tiếp tục được quan tâm, đầu năm 2022, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Dân số và Phát triển để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng về dân số - phát triển trong tình hình mới.

5. Về bảo trợ xã hội, người có công và giảm nghèo

 Quý I/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 04 văn bản để thực hiện CTMTQG giảm nghèo. Hiện còn thiếu các văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm của các bộ, theo kế hoạch phải hoàn thành trong quý II/2022. Các địa phương đã và đang triển khai xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình.

Chính sách TGXH tiếp tục được quan tâm, thực hiện theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, 1,87 triệu người cao tuổi đang hưởng TGXH hằng tháng; trên 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Một số địa phương đã nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội và nâng mức trợ cấp xã hội cao hơn so với Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Ngọc Diệp