Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 01 ý kiến đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với nhiều nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động của UBTVQH và cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung theo ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, các chuyên gia, nhà khoa học và Đoàn đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như: Phạm vi điều chỉnh của Luật; Giải thích từ ngữ “Biện pháp vũ trang”; Vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động; Nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động; Xây dựng Cảnh sát cơ động; Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động; Nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động; Quyền hạn của Cảnh sát cơ động; Bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; Vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân; Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động; Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự; Kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho Cảnh sát cơ động; Trang bị của Cảnh sát cơ động; Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; Điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ; Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Trách nhiệm và chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Ông Quản Minh Cường- Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Ông Quản Minh Cường- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đưa ra ý kiến tranh luận tại Phiên họp, đại biểu Quản Minh Cường cho rằng việc quy định về đường bay, quản lý không lưu, quản lý hoạt động phương tiện bay đã được quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Công ước Chicago về Hàng không Dân dụng quốc tế cũng quy định rõ về vấn đề này. Vì vậy quy định nội dung này trong dự thảo Luật là chưa hợp lý, mà cần điều chỉnh bởi luật khác. Đại biểu đề xuất, trên cơ sở xem xét tính cần thiết, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có thể xây dựng Nghị định về mối quan hệ phối hợp, quy chế phối hợp quản lý phương tiện bay để trình Thủ tướng ký ban hành.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, ở các nước tiên tiến, các lực lượng cảnh sát, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư đều sử dụng máy bay, tàu ngầm, các phương tiện hiện đại để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc đối phó với tội phạm ma túy. Vì vậy đại biểu tán thành dự thảo Luật có quy định về việc sử dụng phương tiện hiện đại cho cảnh sát cơ động.
Ngoài ra, đại biểu cũng chỉ rõ, khoản 6 Điều 10 về quyền hạn của lực lượng cảnh sát cơ động quy định cảnh sát cơ động có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân theo quy định tại Điều 13 của Luật này để giải cứu con tin, trấn áp khủng bố. Đại biểu đề xuất bỏ từ “yêu cầu” để đảm bảo quyền hạn thích hợp cho cảnh sát cơ động, giúp lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các tình huống thực tế.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đã có 21 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu tại hội trường và 01 ý kiến tranh luận.
Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Nguyễn Hương