​Tăng thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của công an xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Đăng ngày: 31/07/2022
​       Quốc hội đã thảo luận và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ Luật Tố tụng hình sự vào ngày 25/10/2021; theo đó, kể từ ngày từ ngày 1-12, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ thay cho quy định trước đây chỉ có công an phường, công an đồn, công an thị trấn thực hiện nội dung này, công an xã không có thẩm quyền đối với việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm để phù hợp với chủ trương công an xã được tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội trong giai đoạn hiện nay, góp phần phát huy vai trò công an xã, giảm bớt áp lực cho công an cấp huyện trong quá trình điều tra, xử lý các hành vi phạm tội.​
    Tuy nhiên, qua kết quả giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với nội dung tiếp nhận tinh báo, tố giác tội phạm trong năm 2021 cho thấy việc bố trí gần 646 cán bộ chiến sỹ Công an chính quy về công tác tại địa bàn 122/122 xã, đảm bảo xã bố trí ít nhất 05 Công an chính quy, trong đó hầu hết cán bộ có trình độ đại học, công tác tại các Đội điều tra Công an cấp huyện, cấp phòng và đã từng làm công tác điều tra hoặc liên quan đến công tác điều tra hình sự, bước đầu đã giúp tình hình an ninh trật tự tại cơ sở được kiểm soát, có chuyển biến tích cực. Đồng thời, một số địa bàn như thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh đã được bố trí lực lượng công an chính quy từ lâu, công an chính quy tại các phường chủ yếu được bố trí từ các đội nghiệp vụ, có chuyên môn về điều tra, có sự gắn kết, hướng dẫn, hỗ trợ giữa lực lượng công an phường với các đội nghiệp vụ của công an thành phố trong giai đoạn tiếp nhận thông tin ban đầu, nên việc xử lý tin báo, tố giác tội phạm từ ban đầu tại cơ sở được thuận lợi, việc ghi chép sổ sách, hồ sơ tài liệu cơ bản đáp ứng các yêu cầu tố tụng, việc chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra cấp thành phố đầy đủ thông tin, ít sai sót.

   Nhưng thực tế, qua giám sát, vẫn còn một số địa phương cấp xã trên địa bàn, mặc dù đã được bố trí công an chính quy từ các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh, Công an cấp huyện, nhưng trình độ chuyên môn chưa phù hợp với công tác quản lý địa bàn, quản lý cơ sở, thực hiện nhiệm vụ công an khu vực, như: lực lượng công an giao thông, cơ động, môi trường, phong trào … ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động công an cấp xã, nhất là nghiệp vụ tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm dẫn đến sai sót khi tiếp nhận, phân loại, xử lý và cả các hồ sơ tố tụng có liên quan. 

   Do vậy, để đảm bảo việc triển khai Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi, cụ thể đối với nội dung tăng thẩm quyền cho công an cấp xã trong tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ đảm bảo các quy định pháp luật, phát huy vai trò của công an xã trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, hạn chế sai sót; thiết nghĩ, Công an tỉnh đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai quy định trên cần tập trung quan tâm một số khuyến nghị sau:

    Một là, rà soát lại việc bố trí lực lượng công an xã chính quy, cần thiết kiện toàn, tổ chức nhân sự công an cấp xã đảm bảo tối thiểu phải có công an xã được điều chuyển từ lực lượng điều tra công an cấp tỉnh, cấp huyện (đây là lực lượng có kinh nghiệm, có kỹ năng chuyên môn trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm) làm nòng cốt, hỗ trợ, hướng dẫn, triển khai, “cầm tay chỉ việc” cho các lực lượng công an chính quy khác tham gia công tác tại cơ sở.

    Hai là, thống kê, đánh giá lại chất lượng đội ngũ công an chính quy đã bố trí về xã, lực lượng công an xã bán chuyên trách tiếp tục sử dụng để đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở  theo Nghị định 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ để phân loại, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho phù hợp, đảm bảo đủ khả năng tổ chức triển khai việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ ở công an xã; quan tâm chú trọng nghiệp vụ xử lý, tránh sai sót ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng.

   Ba là, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý kiểm soát, xử lý trách nhiệm đối với hoạt động tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của công an cấp xã, nhất là kiểm soát việc tiếp nhận, ghi sổ thụ lý, giai đoạn “tiền tố tụng”, tránh trường hợp lạm quyền, bỏ sót, bỏ lọt tội phạm ngay từ khâu tiếp nhận ban đầu, trong khi cơ chế kiểm soát hoạt động tố tụng tại công an cấp xã hiện chưa rõ ràng, Viện kiểm sát chỉ mới dừng lại ở việc kiểm soát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đã thụ lý, đã vào sổ đã được cập nhật theo quy trình tố tụng.    

    Quang Trường