Hoàn thiện quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần đấu tranh, phòng chống tham nhũng Đăng ngày: 31/07/2022
Luật phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật PCTN) và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập trước đây. Tuy nhiên, hiện Luật PCTN và cả Luật ban hành VBQPPL đều chưa xem xét việc tham nhũng trong xây dựng VBPL là một hành vi cần được nhận diện và xử lý; trong khi thực tế cho thấy xây dựng, ban hành VBPL tạo “hành lang pháp lý” cho hành vi tham nhũng cụ thể của người thực thi công vụ một cách có hệ thống và tinh vi trong thời gian dài. Trong khi đó, mục đích đầu tiên của hoạt động thanh tra - một biện pháp phát hiện tham nhũng - “phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục” (Điều 3, Luật Thanh tra 2010), nhưng theo báo cáo tổng kết thi hành Luật của Thanh tra Chính phủ thì việc phát hiện, kiến nghị khắc phục bất cập trong pháp luật, cơ chế quản lý hoạt còn rất hạn chế, nhất là tại thanh tra cấp huyện (Thanh tra Chính phủ, 2019). Đồng thời, công tác tự kiểm tra, rà soát VBPL của địa phương cũng có trường hợp bỏ sót văn bản ban hành trái luật, không khả thi hoặc ban hành quy định tạo điều kiện cho “sơ hở” phát sinh, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đất đai, quản lý xây dựng … Mặc dù vậy, cũng phải nhìn nhận một vướng mắc rằng, việc nhận diện và xử lý hành vi tham nhũng trong xây dựng, ban hành VBPL không đơn giản, dễ dàng. Thứ nhất, ban hành văn bản pháp luật có tác động đến nhiều đối tượng trên nhiều khía cạnh, việc xác định một chuẩn mực khách quan để đánh giá là khá khó khăn. Thứ hai, tác động của VBPL cần thời gian để đánh giá tổng thể, không thể kết luận ngay từ đầu. Năng lực phân tích, đánh giá tác động của VBPL đôi lúc còn hạn chế. Thứ ba, Luật Ban hành VBQPPL cho thấy quy trình ban hành thông qua cơ chế tập thể, nhiều cơ quan, đơn vị, các cấp có thẩm quyền xem xét có ý kiến. Do đó, sẽ có tình trạng e dè trong xem xét, đánh giá lại tính hợp lý của nội dung đã được ban hành, cũng như không rõ, không ràng buộc trách nhiệm các cơ quan có liên quan, từ cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia ý kiến đến cơ quan thẩm định.
Để công tác PCTN trong hoạt động ban hành văn bản QPPL có hiệu quả, cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định có liên quan, có cơ chế kiểm soát, xác định trách nhiệm, chế tài cụ thể trách nhiệm tổ chức, cá nhân không để tạo ra “kẻ hở”, “hành lang pháp lý” cho hành vi tham nhũng cụ thể của người thực thi công vụ, cụ thể:
Thứ nhất, Luật PCTN nên xem việc tham nhũng trong xây dựng VBPL là một hành vi cần được nhận diện và xử lý vì tham nhũng trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật tạo “hành lang pháp lý” cho hành vi tham nhũng tham nhũng cụ thể của người thực thi công vụ một cách hệ thống, trong thời gian dài. Tham nhũng trong ban hành VBPL có thể thể hiện dưới hai hình thức: một là quy định tạo lợi thế cho một nhóm cá nhân, tổ chức; hai là, luật hóa các quyền hạn không hợp lý của người thi hành công vụ. Ví dụ như việc đưa ra các yêu cầu, điều kiện khó khăn hoặc ưu đãi đặc biệt cho các dự án đầu tư “sân sau”, công trình xây dựng, CNQSDĐ…, hoặc trao thẩm quyền không hợp lý, chính đáng cho một CQQLNN, cá nhân người có chức vụ trong quá trình thực thi pháp luật, phổ biến là giải quyết TTHC, chuyển “cái khó” về phía người dân, doanh nghiệp hoặc việc chậm thực hiện quy hoạch một khu vực, quy hoạch treo kéo dài dẫn đến khó khăn cho người dân trong xây dựng nhà ở. Tham nhũng trong ban hành quy định, chính sách pháp luật mang lại lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm một cách “hợp pháp”, hệ thống cho các cá nhân có động cơ và hành vi tham nhũng ; tham nhũng trong quá trình xây dựng VBQPPL không chỉ ở tầm vĩ mô, mà còn có thể hiện diện ở mỗi cấp, mỗi ngành, liên kết giữa các cấp, ngành khi “lợi ích” xuất hiện. Khi những quy định bất hợp lý, bất khả thi, hoặc quá “hổng”, hoặc không theo kịp thực tiễn cuộc sống được thông qua có thể bị dùng để gây khó khăn cho người dân, tạo điều kiện để trục lợi cho một số cá nhân có chức vụ quyền hạn.
Thứ hai, trong quá trình ban hành VBQPPL phải gắn trách nhiệm PCTN, cần tuân thủ chặt chẽ, thực chất quy trình xây dựng VBPL, đảm bảo đội ngũ người làm nhiệm vụ pháp chế có năng lực phân tích, liêm chính cần thiết để đưa ra nội dung quy định hợp pháp, hợp lý, khách quan; tối thiểu nhất là việc nhận diện và loại bỏ các nội dung quy định trao quyền lực bất hợp lý, quyền lực không đi kèm trách nhiệm cho cá nhân, cơ quan nào đó, yêu cầu, điều kiện phi lý cho công dân, nội dung tạo ra tình trạng cát cứ quyền lực. Đảm bảo sự tham gia ý kiến của đối tượng chịu tác động một cách hiệu quả, công khai, minh bạch, rộng rãi, tránh hình thức, chiếu lệ; qua đó, hạn chế được sự chủ quan, tuỳ tiện trong quá trình xây dựng và đảm bảo cho nhân dân kiểm tra và giám sát việc áp dụng pháp luật. Đồng thời, việc đánh giá tác động văn bản pháp luật phải thực hiện khách quan, khoa học, tránh qua loa, đánh giá trên báo cáo; đảm bảo trách nhiệm giải trình của cơ tham mưu VBPL và cam kết chịu trách nhiệm về VBPL đã được đề ra.
Thứ ba, cần xác định rõ trách nhiệm nếu để xảy ra “lỗ hỏng” tạo ra cơ chế phát sinh tham nhũng, khi có nhiều trường hợp CBCCVC tham nhũng xuất phát từ các quy định pháp luật đó, thì các tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình đề xuất xây dựng, tham gia ý kiến, thẩm định và ban hành VBPL đó phải chịu trách nhiệm theo mức độ.
Quang Trường
|
|
|