Trong giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt
8,0-9,0%/năm; đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng
(giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12-13%,
công nghiệp - xây dựng chiếm 45-46%, dịch vụ chiếm 37-38%; GRDP bình quân đầu
người đạt 140 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tổng thu ngân sách nhà nước
đạt khoảng 190 nghìn tỷ đồng. Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; có 80% số xã đạt
chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao;
mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là: Hoàn
thiện thể chế phát triển và liên kết vùng. Cụ thể, hoàn thành lập và phê duyệt
quy hoạch phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 - 2030,
tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch các địa phương trong vùng trung du và miền
núi phía Bắc, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững,
trong đó: Phát triển hệ thống đô thị trong vùng kết nối nội vùng và với các đô
thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng, các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô
thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới. Hình thành một số cực tăng trưởng,
trung tâm kinh tế của vùng như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng
Sơn; Hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang
- Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô;
Hình thành các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng như trung
tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại Thái Nguyên và Bắc
Giang, trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La, trung tâm sản xuất
và chế biến gỗ tại Tuyên Quang, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt
Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai. Phát triển hệ
thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ
tầng số, trung tâm sản xuất điện, điện tử, công nghệ thông tin đồng bộ, hiện
đại và thông minh, gắn với phát triển các hành lang kinh tế. Thí điểm xây dựng
một số khu kinh tế qua biên giới. Đến năm 2030, hoàn thành các tuyến đường bộ
cao tốc, tiền cao tốc; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường bộ nối các
địa phương với đường cao tốc, các đường vành đai biên giới, các tuyến đường
quốc lộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng. Chương trình hành động
của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW xác định các giải pháp phát
triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ gắn với bảo đảm vững
chắc quốc phòng, an ninh.
Tiếp tục đầu tư và triển khai việc sắp xếp, bố trí dân cư trên
tuyến biên giới. Thực hiện hiệu quả các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất
liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, xây dựng biên giới hòa bình, hữu
nghị, ổn định và phát triển bền vững. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an
toàn xã hội, chủ động phòng - ngừa và đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm
mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn, lật đổ, kích động biểu tình,
"ly khai, tự trị" của các thế lực thù địch, phản động. Kiên quyết xử
lý theo quy định pháp luật các đối tượng cầm đầu, cốt cán, chống đối cực đoan;
không để các đối tượng có điều kiện hoạt động; không để các thế lực bên ngoài
có điều kiện can thiệp…
Kim Chung