Tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh đạt 43%

Đăng ngày: 08/12/2022
​UBND 11 huyện, thành phố đà triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn huyện, thành phố, trong đó 160 xã, phường, thị trấn, có 403.004 hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo hướng dẫn, tỷ lệ đạt 43% số hộ dân toàn tỉnh.

​Theo số liệu báo cáo từ các huyện, thành phố đến tháng 6/2022, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý sau phân loại tại nguồn khoảng 404 tấn/ngày (đạt 21,5% so với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là 1.895 tấn/ngày). Trong đó, chất thải thực phẩm khoảng 280 tấn/ngày (tỷ lệ chiếm 71%), chất thải rắn tái chế 30 tấn/ngày (tỷ lệ chiếm 8%), chất thải rắn còn lại 94 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ 21%) được xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp. Các huyện, thành phố đã bố trí 500 điểm thu hồi chất thải nguy hại trong sinh hoạt tại 113 xã, phường, thị trấn với khối lượng chất thải nguy hại trong sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và xử lý từ năm 2020 đến tháng 6/2022 là 30.896 kg. Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.487 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, khối lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Hình thức xử lý tiêu hủy hiện nay tại địa phương là đốt tại các lò đốt chuyên dụng của các đơn vị được cấp phép xử lý chất thải nguy hại (Công ty cổ phần Dịch vụ Sonadezi, Công ty TNHH Cù Lao Xanh, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Môi trường Thiên Phước, Công ty TNHH Tài Tiến, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phúc Thiên Long, Công ty cổ phần môi trường Thiên Thanh, Công ty TNHH Thanh Tùng 2...).

images2394034_7a.jpg 
Hư​ớng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Sở TN-MT. Ảnh: Nguồn Sở TN-MT
 

Các huyện cũng đã tổ chức thu gom chất thải sau phân loại đối với nhóm chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác với phương án thu gom cách ngày hoặc hàng ngày với chất thải thực phẩm, đối với chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác được thu gom 01 ngày hoặc 02 ngày (trong tuần). Tuy nhiên việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa triển khai trên diện rộng và thực hiện triệt để nên gây khó khăn trong việc điều tiết, sắp xếp phương tiện vận chuyển riêng các nhóm chất thải sau khi phân loại tại nguồn về các khu xử lý (phát sinh cho chi phí thu gom và vận chuyển). Riêng thành phố Long Khánh thực hiện theo phương án thu gom cùng lúc 02 nhóm chất thải bằng phương tiện thu gom có 02 ngăn.

Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn còn một số khó khăn hạn chế như: đa số người dân chưa thật sự tiếp cận sâu và rộng; khó khăn trong duy trì phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các hộ dân. Tại các khu vực đô thị, các hộ gia đình còn lúng túng trong việc bố trí các thùng rác, khu vực lưu giữ tạm thời đối với các nhóm chất thải sau phân loại. Một số cá nhân, hộ gia đình sống tại các phòng trọ, đi làm thường xuyên nên gây khó khăn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chât thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Bên cạnh đó là thiếu đồng bộ trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nhiều đơn vị thu gom còn sử dụng nhiều phương tiện thu gom, vận chuyển thô sơ làm phát sinh ô nhiễm mùi, nước rỉ rác, rơi vãi rác trong quá trình thu gom vận chuyển. Trong quá trình triển khai chủ dự án tập trung nhiều cho các công nghệ xử lý chất thải nguy hại và công nghiệp thông thường, chưa quan tâm đúng mức cho việc đầu tư các hạng mục công trình xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt. Ngoài ra, hiện nay, mức phí thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay quá thấp, không đủ chi phí cho các đơn vị thu gom tái đầu tư, chuẩn hóa phương tiện thu gom theo đúng quy định. Theo báo cáo của các Chủ đầu tư các khu xử lý chất thải, giá trần xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh không đáp ứng chi phí và công nghệ xử lý của các khu xử lý.

Lê Lài