Vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng
về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả
nước. Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài
chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất
lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả
nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển
với các vùng kinh tế khác.
Xây dựng sân bay Long Thành, công trình trọng điểm Quốc gia trên địa bàn Đồng Nai
Phát triển vùng Đông Nam Bộ phải phù hợp với các chiến lược,
quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy
hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng
trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn
với cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy kinh tế số, kinh tế chia
sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các
ngành dịch vụ chất lượng cao. Tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô
thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông. Huy động tối đa nguồn
nội lực cho phát triển, kết hợp hài hoà với ngoại lực để phát triển nhanh, bền
vững, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của
các địa phương trong quy hoạch và quản lý phát triển vùng. Tăng cường đổi mới
liên kết vùng trên cơ sở xây dựng cơ chế liên kết và điều phối vùng hiệu lực,
hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các
vùng khác và các nước tiểu vùng sông Mê Công, ASEAN và thế giới.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, điều kiện
thực tế của từng địa phương và tổ chức điều phối vùng. Thực hiện thí điểm những
mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao, tạo đột phá
nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.
Đồng Nai gấp rút thực hiện phần việc của mình để hoàn thành nhiệm vụ
Xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội
nhập quốc tế. Phát triển nhanh, bền vững, hài hoà giữa các tiểu vùng, các địa
phương trong vùng; các lĩnh vục kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo vệ môi
trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nâng cao
sức khoẻ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là người có thu
nhập thấp. Thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa
phương trong vùng.
Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hoá, tinh
thần tự lực, tự cường của "Miền Đông gian lao mà anh dũng" trong xây
dựng và phát triển vùng. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc
phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng
đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong
sạch, vững mạnh, nhất là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới và
có tầm nhìn chiến lược. Tăng cường đoàn kết, thống nhất, thực hiện nghiêm kỷ
luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm giải trình của người
đứng đầu.
Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế khuyến khích, bảo vệ
cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm
vì lợi ích chung. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức
đảng, kiện toàn bộ máy quản lý ở các cấp.
Nguyễn Thị Oanh