Hoạt động giáo dục cộng đồng tại các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 13/03/2023
​Năm 2022, các Trung tâm đã tổ chức được 150 lớp dạy nghề ngắn hạn, 1.388 lớp chuyên đề với tổng số 258.251 lượt người tham gia học tập, tổng chi phí khoảng hơn 6 tỉ đồng. 
 

​Theo báo cáo của Sở Giáo dục Đào tạo cho thấy, tính đến tháng 12/2022, trên địa bàn tỉnh có 146 trung tâm văn hóa, học tập cộng đồng và 24 trung tâm học tập cộng đồng (chưa sát nhập) với hơn 202 phòng học, có 19.315 chỗ ngồi; trang bị hơn 200 tủ sách và hơn 19 ngàn máy tính nối mạng internet. Các Trung tâm đều có xây dựng Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên trong Ban quản lý của Trung tâm, xây dụng kế hoạch hoạt động năm, kế hoạch hoạt động từng tháng và báo cáo tổng kết hoạt động hằng năm. Hàng năm, các Trung tâm đều phối hợp với các ban ngành đoàn thể, các đơn vị chức năng như: Trạm y tế, Ban tư pháp xã, Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện/thành phố, Trung tâm khuyến nông để tổ chức các lớp chuyên đề tuyên truyền về pháp luật, hướng dẫn kĩ năng nghề nghiệp, kĩ năng sống và mở các lớp dạy nghề ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu nguyện vọng học tập của người dân trên địa bàn.

Năm 2022, các Trung tâm đã tổ chức được 150 lớp dạy nghề ngắn hạn, 1.388 lớp chuyên đề với tổng số 258.251 lượt người tham gia học tập, tổng chi phí khoảng hơn 6 tỉ đồng. Kết quả tự đánh giá cuối năm có 119 Trung tâm đạt loại tốt; 47 Trung tâm đạt loại khá và 4 Trung tâm loại trung bình. Trong đó, các Trung tâm trên địa bàn thành phố Biên Hòa đã tổ chức được 20 lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học (giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ) với 389 học viên đặt tại trung tâm học tập cộng đồng của các phường Hố Nai, Quyết Thắng, Tân Biên, Tân Hòa.

Với sự quan tâm của Đảng ủy, UBND các xã, phường, thị trấn đã có những nghị quyết, chương trình và kế hoạch về việc xây dụng và phát triển các Trung tâm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, có bố trí cán bộ, công chức, cộng tác viên đảm bảo về cơ cấu theo quy định hiện hành tại Nghị quyết số 139/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh quy định về tổ chức nhân sự và chế độ hỗ trợ đối với Trung tâm Văn hóa Thể thao - Học tập cộng đồng cấp xã; Nhà Văn hóa - Khu thể thao ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị... cho các Trung tâm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các trung tâm cũng còn nhiều hạn chế, nhiều Trung tâm còn thiếu nhân sự Ban giám đốc và Ban quản lý do thiếu cán bộ công chức tương ứng (thiếu công chức văn hóa xã); nhiều cán bộ quản lý trung tâm được bố trí theo chức vụ, không có nghiệp vụ về quản lý hoạt động lĩnh vực học tập cộng đồng. Một số trung tâm văn hóa, học tập cộng đồng (đã sát nhập) chưa chú trọng tổ chức các hoạt động lĩnh vực học tập cộng đồng như điều tra nhu cầu người học để chủ động xây dựng kế hoạch mở các lớp tập huấn, chuyên đề; hiệu quả tổ chức các lớp chuyên đề, tập huấn còn hạn chế so với quy mô và chức năng nhiệm vụ được giao. Nhiều Trung tâm chậm đổi mới trong công tác quản lý, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tuyên truyền. Nội dung giảng dạy của các lớp chuyên đề, các lớp tập huấn, các lớp nghề ngắn hạn chưa đa dạng, phong phú và chưa phù hợp với nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân.

Lê Lài