Theo quyết định, mục tiêu chung của đề án nhằm khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của khu rừng một cách hợp lý để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và giáo dục môi trường tại Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú; thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, phát triển kinh tế xã hội địa phương gắn với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng; tạo nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng, giải trí và cho thuê môi trường rừng để từng bước tự chủ, cân đối nguồn thu chi nhằm giảm bớt phần kinh phí của Nhà nước đầu tư cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng. Thông qua hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, giáo dục cho du khách, cộng đồng địa phương ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Mục tiêu cụ thể của đề án:
- Về kinh tế: Đến năm 2025, lượng khách du lịch đến Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú đạt 330.000 lượt/năm, trong đó khách nội địa đạt khoảng 264.000 lượt/năm, khách quốc tế đạt khoảng 66.000 lượt/năm và doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 176 tỷ đồng/năm. Đến năm 2030 đạt 730.000 lượt khách/năm, trong đó khách nội địa đạt khoảng 584.000 lượt/năm, khách quốc tế đạt khoảng 146.000 lượt/năm và doanh thu đạt khoảng 460 tỷ đồng/năm; đầu tư cho hoạt động du lịch giai đoạn 2022-2025 khoảng 769 tỷ đồng, giai đoạn 2026- 2030 khoảng 2.031 tỷ đồng.
- Về xã hội: Đến năm 2025, hoạt động du lịch sinh thái mang lại việc làm cho 1.000-1.500 lao động địa phương và lân cận, trong đó có khoảng 20 lao động do Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú quản lý. Đến năm 2030, đem lại 1.500 - 2.000 lao động địa phương lân cận, trong đó có khoảng 40 lao động do Ban quản lý rừng hộ Tân Phú quản lý. Chú trọng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương phát triển hạ tầng tại các khu vực có tiềm năng và khu vực chủ sở hữu của cộng đồng. Đồng thời, huy động và sử dụng các sản phẩm do cộng đồng sản xuất trong phát triển du lịch.
- Về môi trường: Thông qua hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách các giá trị tự nhiên, lịch sử - văn hóa của địa phương, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, giảm thiểu các tác động của người dân ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phòng cháy chữa cháy rừng.
Đề án xác định 13 điểm du lịch và 8 tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí. 13 điểm du lịch, gồm: Huyện Định Quán 10 điểm (Bàu Nước Sôi; Thác Mai; Thác Chín Chì; Cầu Sa Cá; Phân trường IV (Ao Sen; Đá Hang Doi (đá bảy mẫu); Thác Reo; Thác Ông Phán; Thác Cải Tạo; Thác Trời); Huyện Tân Phú 03 điểm gồm: du lịch farmstay, homestay Tân Phú, bao gồm 3 khu vực: khu vực Gần chùa Vĩnh Giác - Kim Sơn, khu vực gần hồ Đa Tôn; khu vực Núi Tượng. 8 tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí, gồm huyện Định Quán 07 tuyến gồm: Bàu Nước Sôi - Thác Mai; Bàu Nước Sôi - Hang Dơi - Thác Mai; Bàu Nước Sôi - Hang Dơi - Thác Reo - Thác Mai; Bàu Nước Sôi - Ao Sen - Thác Ông Phán - Thác Chín Chì, Thác Mai; Bàu Nước Sôi - Thác cầu Sa Cá - Thác Cải Tạo - Ao Sen; Bàu Nước Sôi - Thác cầu Sa Cá - Đồi đá trụ - Thác Trời - Thác Cải Tạo - Ao Sen; Bàu Nước Sôi - Ven sông (từ Thác Mai đi Thác Trời); Huyện Tân Phú 01 tuyến, gồm: Phú An - Chùa Vĩnh Giác - Đá 2 Chồng - Hồ Đa Tôn - Suối Gấm - Núi Tượng.
Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2023 - 2030 và phương thức tổ chức thực hiện là Chủ rừng tự tổ chức, liên kết, cho thuê môi trường rừng.
Lê Lài