Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV
Về công tác lập pháp, Quốc hội
sẽ xem xét, thông qua 08 dự án luật, trong đó có 06 dự án luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4; 02 dự án luật được Ủy ban Thường
vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm
2023 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp
thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp trên cơ sở quy định tại Điều 51 của
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đề nghị của Chính phủ, để đáp ứng kịp
thời yêu cầu của thực tiễn. Quốc hội cũng xem xét, ban hành 03
nghị quyết quy phạm pháp luật. Quốc hội xem xét, cho ý
kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối
với 08 dự án luật khác. Đối với các dự án luật, dự thảo nghị
quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án,
dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao.
Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi
đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí năm 2022; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ
thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4,
Quốc hội khóa XV.
Các vị Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai tại Kỳ họp thứ 5
Quốc
hội sẽ tiến hành giám sát tối cao “Việc huy
động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch
COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đặc biệt là báo cáo về kết quả giám sát, đề
nghị Quốc hội phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn
chế trong tổ chức thực hiện và quy định của pháp luật, các nguyên nhân khách
quan, chủ quan; kiến nghị các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ những tồn
tại, vướng mắc còn tồn đọng trong quản lý và sử dụng các nguồn lực trong phòng,
chống dịch COVID-19; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và
hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời
gian tới. Căn cứ kết quả giám sát, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua nghị quyết về vấn đề này.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét,
thông qua các nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát
chuyên đề của Quốc hội năm 2024. Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét toàn
diện, cân đối giữa các lĩnh vực và bám sát tình hình thực tiễn, đề nghị các vị
đại biểu Quốc hội cho ý kiến, lựa chọn nội dung cụ thể để bảo đảm giám sát đúng
trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề mấu chốt còn vướng mắc, bất
cập nhằm tạo được chuyển biến tích cực đối với các nội dung được giám sát, nhất
là trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về Chương
trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, các dự án trọng điểm
quốc gia, những vấn đề lớn, quan trọng, những vấn đề bức xúc, nổi lên được cử
tri, Nhân dân cả nước quan tâm; qua đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả
thực chất của hoạt động giám sát.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét một số
báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Kiểm toán nhà nước… Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các
báo cáo, xem xét toàn diện, thống nhất và cẩn trọng, dự báo những vấn đề lớn,
mới có thể phát sinh, đề xuất giải pháp phù hợp để Quốc hội xem xét ban hành
Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Phóng viên báo, đài đưa tin tại kỳ họp
Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét,
quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp, cụ thể là: (1) Xem xét, cho
thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội;
(2) Xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo
luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy
định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.
Tại Kỳ
họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung rất quan
trọng, thu hút sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cử tri, Nhân dân cả nước cũng
như đồng bào ta ở nước ngoài. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị
các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập
trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết,
sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo
thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Kim Chung