Toàn văn bài phát biểu thảo luận của ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai

Đăng ngày: 27/05/2023
​Toàn văn bài phát biểu thảo của ĐBQH Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp 4-QH15
 

​Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chủ trì phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Xét về bản chất, tôi thấy công tác dân nguyện sẽ chi phối đến cả 3 chức năng của Quốc hội, chi phối đến cả hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng. Do đó, tại kỳ họp này, tôi đánh giá rất cao việc Quốc hội chúng ta đã đưa một nội dung rất quan trọng về công tác dân nguyện để thảo luận, thể hiện hiệu lực, hiệu quả cũng như việc đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Qua báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể thấy rằng vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, đặc biệt là của Chính phủ, các bộ, ngành đã rất quyết tâm và nỗ lực trong việc trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri và khẳng định được vai trò của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, đứng trước những trách nhiệm người dân quan tâm và kiến nghị. Tôi đồng tình với rất nhiều nội dung đã được nêu trong Báo cáo 468 và các ý kiến phát biểu. Để tham gia vào nội dung này, tôi xin phép được phát biểu một số ý kiến như sau:

Trước hết, chúng ta phải xác định được nguồn để thực hiện giám sát những kiến nghị nào của Nhân dân và cử tri thì tại mỗi kỳ họp chúng ta đều có nghe báo cáo của Mặt trận Tổ quốc. Những số liệu ở đây là báo cáo tổng hợp từ tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, còn một nguồn nữa đó là nguồn ý kiến của Nhân dân được tổng hợp qua kênh của Mặt trời và báo cáo các đồng chí Chủ tịch Mặt trận được đọc ở phiên khai mạc. Do đó, tôi đề nghị để được đầy đủ, toàn diện, thống nhất thì ta cần phải có rà soát, đánh giá để trả lời thật sự đầy đủ, kể cả kênh qua các đoàn đại biểu Quốc hội, kể cả thông qua tiếp xúc cử tri và qua mặt trận, qua các tổ chức đoàn thể, như vậy nó sẽ được đầy đủ, đồng bộ hơn, thể hiện được tiếng nói của Nhân dân, cử tri đến với Quốc hội, đến với các cơ quan nhà nước.

Thứ hai, tôi đồng tình với những số liệu chúng ta đưa ra rất thuyết phục. Tuy nhiên, tôi quan tâm đến một vấn đề đó là chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri như thế nào? Theo báo cáo, hiện nay chúng ta có 2.593 kiến nghị được tổng hợp và trong số liệu này đa phần là kiến nghị được gửi tới các cơ quan của Chính phủ, các bộ, ngành. Chúng ta có 2.466/2.469 kiến nghị đã được Chính phủ, bộ, ngành trả lời. Tuy nhiên, trong số liệu này các bộ, ngành trung ương đã giải trình và cung cấp thông tin về 2.004 kiến nghị cử tri, như vậy việc giải trình cung cấp thông tin chiếm 81,3%. Như vậy, tuyệt đại đa số việc trả lời kiến nghị cử tri như đại biểu Mai, đoàn Đắk Nông có phân tích được thể hiện thông qua việc giải trình và cung cấp thông tin. Việc giải trình và cung cấp thông tin cũng là điều tốt, qua đó làm rõ được nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm. Tuy nhiên, ở góc độ khác cho thấy các quy định của hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ và rất nhiều vấn đề cử tri phải hỏi, các bộ, ngành phải giải trình và cung cấp khối lượng này rất lớn. Do đó, cần phải có kênh thông tin để bảo đảm xem cử tri và Nhân dân có đồng tình với việc chúng ta giải trình và cung cấp thông tin hay không, xem có thực sự giải quyết vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm hay không. Chúng ta cần phải phân tích thêm để tránh việc người dân lại tiếp tục hỏi và cơ quan lại tiếp tục giải trình, tiếp tục cung cấp thông tin thì rất khó cho việc làm thỏa mãn với ý kiến của người dân.

Thứ hai, tôi quan tâm đến số liệu: Hiện nay chúng ta còn một khối lượng rất lớn các kiến nghị đang được tiếp thu, giải quyết. Chúng ta còn 629 kiến nghị đang được tiếp thu, giải quyết, trong đó có 215 kiến nghị đã được xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, còn 359 kiến nghị đã xác định lộ trình cụ thể giải quyết. Đặc biệt còn có 55 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết. Đây là những kiến nghị không chỉ đến kỳ họp thứ 4 mà còn tồn tại từ các thời gian trước. Tôi nghĩ phải làm rõ nội dung này. Nhiều nội dung trong phụ lục 4 có thể rà soát để các bộ, ngành có thể trả lời, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 7, giao thông 7, Thanh tra Chính phủ 12 trong số 55 kiến nghị chưa có lộ trình. Nội dung này hoàn toàn có thể xác định được.

Thứ ba, công tác trả lời kiến nghị cử tri. Việc trả lời đã tốt rồi nhưng việc trả lời như thế nào tôi nghĩ phải đánh giá kỹ hơn. Hiện nay có tình trạng các kiến nghị không chỉ của cử tri mà còn kiến nghị của các địa phương gửi về các bộ, ngành, gửi về Chính phủ thì còn có chuyện chúng ta trả lời theo hướng theo quy trình hoặc theo quy định của pháp luật, như vậy rất khó cho việc thỏa mãn ý kiến của cử tri cũng như thỏa mãn để đáp ứng cho vai trò quản lý của Nhà nước. Cho nên, tôi đề nghị là chúng ta cần phải có tiêu chí để đánh giá việc trả lời kiến nghị cử tri, trả lời cả những kiến nghị của các địa phương để làm sao đó hiệu quả. Trả lời để giải quyết, xử lý công việc chứ không phải trả lời để biết. Tôi cho rằng cần phải có tiêu chí như vậy.

 DBQH Trinh Xuan An.jpg
ĐBQH Trịnh Xuân An-Đoàn Đồng Nai tại phiên thảo luận

Đối với Đồng Nai, hiện nay theo phụ lục 3 thì còn 3-4 vấn đề lớn liên quan đến nhà ở xã hội, y tế cơ sở giáo dục, cán bộ cấp cơ sở, liên quan đến một số dự án, công trình giao thông, liên quan đến các bộ, ngành. Chúng tôi mong các đồng chí rà soát, nhất là Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông quan tâm đến những kiến nghị của Đồng Nai. Đi vào cơ chế bảo đảm, tôi thấy có một số vấn đề cần quan tâm.

Trước hết, như các đại biểu khác đã nói, tôi đề nghị chúng ta cần phải xây dựng một cơ sở dữ liệu về trả lời kiến nghị cử tri để tránh trùng lặp, công khai để rõ cho người dân, cho cử tri, cho cơ quan biết được chúng ta đã làm đến đâu, chất lượng ra sao thì chúng ta cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu này để tránh việc trùng lặp và là để thể hiện kết quả của chúng ta.

DBQH thao luan.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tham gia tại phiên thảo luận 

Thứ hai, tôi trân trọng đề nghị vai trò của Ban Dân nguyện, chắc là chúng ta phải quan tâm thêm. Hiện nay, Ban Dân nguyện đang làm khối lượng công việc rất lớn. Trước đây, chúng ta đã có đề án thành lập Ủy ban Dân nguyện và với khối lượng công việc như thế này chắc là chúng ta phải quan tâm thêm đối với cơ quan đang giúp cho Thường vụ Quốc hội triển khai một khối lượng công việc rất quan trọng, tác động trực tiếp tới người dân, cử tri, tới hệ thống chính trị của chúng ta. Tôi mong rằng Ban Dân nguyện sẽ có một vị thế thực sự phù hợp để chúng ta có đủ tầm, đủ sức mạnh để làm khối lượng công việc rất lớn như vậy. Và đặc biệt là nội dung thảo luận ngày hôm nay chúng ta đưa ra lần đầu tiên, tôi cũng rất mong từ nay trở đi chúng ta thảo luận thường kỳ ở các phiên họp và nếu thảo luận việc này thì chúng ta cũng phải có đầu ra của nó, tức là phải đưa vào nghị quyết chung hay là chúng ta có nghị quyết riêng hay không, nếu chúng ta cứ thảo luận chung chung và đưa ra một vài nhận xét, đánh giá thì rất khó cho việc chỉ đạo, điều hành. Tôi đề nghị là chúng ta phải nêu rõ kết luận, nêu rõ việc giao cho cơ quan nào giám sát và đặc biệt là những vụ việc, những số liệu chúng ta đang chưa giải quyết phải theo dõi, phải đánh giá. Như vậy, chúng ta vừa có công cụ để vừa bảo đảm nâng cao chất lượng hiệu quả. 

Tôi xin ý hết. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

 Nguyễn Hương