Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19

Đăng ngày: 30/05/2023
​Ngày 29 tháng 5 năm 2023, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Báo cáo nêu rõ:

202305291719022445_58.jpg

          Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo trước Quốc hội


Dịch COVID-19 từ khi xuất hiện đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch với quy mô, địa bàn, mức độ lây lan đợt sau đều phức tạp hơn đợt trước cùng sự biến đổi liên tục của các biến chủng nguy hiểm. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 (bắt đầu từ 27/4/2021) với biến thể Delta lây lan nhanh trong thời gian ngắn, đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh, đã xâm nhập sâu trong cộng đồng; dịch bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm tôn giáo... và tại các khu vực có mật độ dân cư cao, làm số mắc tăng nhanh, dịch lan rộng trong thời gian ngắn nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế trong khu vực phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh Trung Bộ và Tây Nam Bộ.

202305241556467378_13.jpg
                  Kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV làm việc phiên ngày 29 tháng 5 năm 2023

    
Đến ngày 23/7/2021, dịch COVID-19 đã lan ra 62/63 tỉnh, thành phố; cả nước ghi nhận 81.678 ca, trong đó có 2.141 ca nhập cảnh và 370 trường hợp tử vong. Đặc biệt, dịch gia tăng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam với quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp, khó lường, kéo dài, với số ca mắc rất cao, gây tổn hại lớn về tính mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố trong vòng 14 ngày kể từ ngày 19/7/2021 nhưng số ca mắc hằng ngày tiếp tục gia tăng ở mức cao trong khi kinh nghiệm, nguồn lực của nước ta còn hạn chế.

z4385396158673_3a5d64953ea126ebcc99fb5670ddf920.jpg
             Những hình ảnh phòng chống dịch, mãi đem lại sự xúc động cho mọi người


Sau hơn 5 tháng xảy ra đợt dịch thứ 4, đến hết ngày 10/10/2021 dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc với 835.036 ca mắc tại cộng đồng ở 62 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.520 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 2,4%). Sau thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên cả nước từng bước chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang quản lý nguy cơ có tính bền vững, hướng tới vừa kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao với biến chủng Omicron và các biến thể phụ của biến chủng Omicron.

Đến cuối năm 2022 tỷ lệ chết chết/mắc là 0,11%  giảm 17 lần so với tỷ lệ chết/mắc năm 2020-2021 (1,87%). Tính trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.312 ca nhiễm); số tử vong xếp thứ 139/230 nước trên thế giới, 03/11 nước khu vực ASEAN. Đến nay, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh.

Kim Chung