Về thông tin - truyền thông, giáo dục - vận động: Tăng cường công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân về sử dụng nước sạch nông thôn nhằm nâng cao sức khỏe của người dân. Xây dựng kế hoạch truyền thông tại các tuyến từ cấp tỉnh, huyện, xã; lồng ghép các hoạt động truyền thông vào các chương trình, dự án có liên quan như Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới; dinh dưỡng, phòng chống dịch, truyền thông giáo dục sức khỏe. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động trực tiếp để đẩy nhanh tốc độ lắp đặt tuyến ống phân phối, ống nhánh và lắp đặt đồng hồ nước đối với các hệ thống cấp nước mới đầu tư, phát huy tối đa công suất nhà máy, tăng nhanh số lượng hộ được sử dụng nước sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng công trình và tiết kiệm nguồn vốn đầu tư, phân vùng cấp nước hợp lý đối với các đơn vị cấp nước.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo (đứng giữa) lắng nghe ý kiến phản ánh của cử tri
trong giờ giải lao tại Hội nghị TXCT chuyên đề năm 2023 tại Cụm 2
Về cơ chế chính sách: Ban hành Nghị quyết quy định hỗ trợ lãi suất vay thương mại đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc quy định nguyên tắc huy động đóng góp tự nguyện hàng năm của Nhân dân và mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành định mức hỗ trợ từng loại hạng mục, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư xây dựng công trình trong việc thu hồi đất và thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công công trình cấp nước. Gắn mục tiêu cấp nước sạch cho người dân nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương chủ động bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn.
Về công tác quản lý chất lượng nước: Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT, ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT. Khẩn trương xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để làm cơ sở triển khai thực hiện. Thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng nước sau xử lý tại các công trình cấp nước đang hoạt động; tiếp tục đầu tư mạng lưới cấp nước đấu nối từ các công trình cấp nước mặt trong khu vực; sửa chữa nâng cấp hệ thống xử lý nước đối với các Công trình CNTTNT tại những khu vực không có công trình cấp nước mặt thay thế, đảm bảo chất lượng đạt quy chuẩn.
Về công tác quản lý hệ thống cấp nước sau đầu tư: Xây dựng kế hoạch cung cấp nước cho các hộ dân tại những khu vực đã đầu tư tuyến đường ống cấp nước, vận động trực tiếp người dân lắp đặt tuyến ống phân phối, ống nhánh và thủy kế vào hộ dân đối với các hệ thống cấp nước mới đầu tư hoàn thành, để tăng số lượng hộ dân được sử dụng nước sạch, nhằm phát huy tối đa công suất nhà máy, công trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, vận hành các Công trình CNTTNT; đôn đốc công tác sửa chữa, nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh khung giá nước đảm bảo thu đủ chi phí vận hành Công trình CNTTNT. Rà soát, đánh giá công tác quản lý, vận hành Công trình CNTTNT, chuyển đổi từ mô hình quản lý không hiệu quả sang mô hình quản lý hiệu quả. Lựa chọn mô hình quản lý, vận hành phù hợp với quy mô công trình, điều kiện của từng địa phương và theo quy định tại Nghị định 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch. Tiếp tục đào tạo, tập huấn đội ngũ nhân sự quản lý vận hành công trình có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý vận hành theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành và mang tính chuyên nghiệp, nhất là đối với các hệ thống cấp nước có quy mô công suất lớn tương đương với một số Nhà máy cấp nước đô thị đang phục vụ trên địa bàn rộng, số lượng khách hàng nhiều.
Cử tri huyện Định Quán kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân
trong việc lắp đặt đường ống nhánh vào khu dân cư
Về đầu tư: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 02 dự án đang thi công (Công trình CNTT liên xã xã La Ngà – Ngọc Định – Phú Ngọc; Công trình CNTT, xã Phủ Lý) và đầu tư xây dựng mới 09 công trình cấp nước (Công trình CNTT xã Đắc Lua; Công trình CNTT liên xã Núi Tượng – Tà Lài – Phú Lập; Công trình CNTT liên xã Sông Ray – Lâm San – Xuân Đông – Xuân Tây; Nhà máy nước hồ Gia Măng; Nhà máy nước hồ Cầu Dầu; Nhà máy nước hồ Lộc An; …); xây dựng tuyến đường ống đấu nối mở rộng phạm vi cấp nước từ công trình cấp nước đô thị. Đầu tư duy trì, nâng cấp các công trình đang hoạt động. Lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình đối với những hộ dân ở xa khu dân cư, những khu vực khó khăn về nguồn nước.
Giải pháp về nguồn vốn: Ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo mức được phê duyệt, cần đa dạng các nguồn và phương thức đầu tư theo nguyên tắc xã hội hóa. Thực hiện hiệu quả việc huy động và thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để hình thành và phát triển thị trường nước sạch nông thôn. Lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia (đặc biệt là chương trình nông thôn mới); các chương trình, đề án hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương trên địa bàn; các chương trình, dự án khác hỗ trợ có mục tiêu về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường đang triển khai trên địa bàn nông thôn.
Thu Hương