HĐND các cấp tổng kết thực hiện Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 ngày 15/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đăng ngày: 24/06/2023
  ​Tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan và đại biểu dân cử. Vì vậy, kể từ khi Luật Tiếp công dân năm 2013, đặc biệt là Nghị quyết số 759/2014/UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐNd các cấp (Nghị quyết 759) có hiệu lực đã tạo cơ sở, điều kiện thuận lợi  trong hoạt động tiếp công dân của các cơ quan dân cử.

​      Từ khi thực hiện Nghị quyết 759, công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đi vào nề nếp và duy trì thường xuyên, tạo điều kiện để công dân, cử tri được thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với đại biểu HĐND, góp phần tích cực, hiệu quả vào hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư của HĐND các cấp.

     Trong thời gian qua, HĐND và các đại biểu HĐND các cấp đã nghiên cứu và thực hiện nghiêm các quy định về Luật Tiếp công dân, Luật khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết số 759, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Và cụ thể hóa, thông qua việc ban hành Quy chế hoạt động và chương trình hoạt động của cả nhiệm kỳ HĐND, trong đó có quy định về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư  của Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cũng như định hướng các nội dung hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ làm cơ sở triển khai thực hiện. Hàng năm, Thường trực HĐND trình HĐND cùng cấp ban hành các Nghị quyết để lãnh đạo các hoạt động của HĐND trong đó có chú trọng đến hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Đồng thời, tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 96/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 về quy định mức chi bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm góp phần khuyến khích, động viên người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức góp phần ổn định trật tự xã hội tại địa phương.

Hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh xây dựng lịch tiếp công dân của Chủ tịch HĐND tỉnh và đại biểu chuyên trách vào sáng thứ 6 hàng tuần tại Trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh. Các Tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND cấp huyện xây dựng lịch tiếp công dân của đại biểu tại địa bàn ứng cử (từ 01-02 lần/1 tháng). Thường trực HĐND cấp huyện, xã phân công các đại biểu trong Thường trực, hai Ban HĐND thực hiện việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân huyện, xã theo định kỳ và đột xuất. Thường trực HĐND cấp huyện, xã xây dựng thông báo phân công đại biểu HĐND cấp huyện, xã trực, tiếp công dân tại các địa bàn ứng cử định kỳ mỗi đại biểu trực 01 lần/01 tháng.

 IMG_4137.JPG
 Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiếp công dân cư ngụ tại huyện Vĩnh Cửu

 

Qua tổng hợp, từ ngày 01/7/2014 đến ngày 30/12/2022, HĐND và đại biểu HĐND các cấp đã thực hiện tiếp 76.944 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đối với 12.071 vụ việc. Nội dung liên quan chủ yếu đến việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, việc tranh chấp đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác điều tra, xét xử, thi hành án, việc xây dựng trái phép  Tại các buổi tiếp công dân, các đại biểu HĐND tỉnh đã hướng dẫn, giải thích trực tiếp cho công dân, có văn bản hướng dẫn cho công dân và chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định. Sau khi chuyển đơn của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, các đại biểu tiếp tục theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết đơn, thư của công dân.

Đồng thời, thông qua tiếp công dân và qua đường bưu điện, HĐND các cấp đã tiếp nhận 9.663 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân. Kết quả, đã chuyển đơn đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết, trả lời cho công dân 1.714 đơn và tổ chức giám sát 951 vụ việc cụ thể.

Nhìn chung, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 759, HĐND các cấp đã nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp với UBND, UBMTTQVN các cấp  và các cơ quan liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; lãnh đạo các đại biểu HĐND phát huy vai trò, trách nhiệm của mình; đặc biệt thực hiện tốt chức năng giám sát, tiếp công dân, xử lý đơn thư của công dân, không ngừng đổi mới phương thức tiếp cận và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật cùa Nhà nước, Nghị quyết của HĐND; những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực mà công dân khiếu nại, tố cáo để người dân hiểu rõ, thực hiện quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đúng luật; tạo điều kiện, khuyến khích người dân tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương.  

Đại biểu HĐND các cấp đã thực hiện việc tiếp công dân theo lịch tiếp công dân đã được công bố. Qua tiếp công dân, đại biểu HĐND tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng của công dân, tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; thu thập ý kiến, phản ánh của công dân, hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nhận đơn, thư của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Công tác giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân của Thường trực, Ban Pháp chế HĐND được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các đoàn giám sát đối với những vụ việc cụ thể; thông qua việc thẩm tra, xem xét các báo cáo của UBND cùng cấp về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các kỳ họp HĐND góp phần đảm bảm giải quyết tốt quyền lợi chính đáng của người dân, ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với cơ quan nhà nước.

gs don ong thanh.png
  Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc giải quyết đơn của 

công dân huyện Vĩnh Cửu


Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của HĐND và đại biểu HĐND còn có một số tồn tại, hạn chế sau: số lượng công dân đến liên hệ chưa nhiều; một số đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm nên chưa có nhiều thời gian nghiên cứu, phục vụ công tác tiếp công dân, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; HĐND một số địa phương chưa gắn tiếp công dân với giám sát việc giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể; tại một số xã, số lượng đơn thư của công dân do Thường trực HĐND xã chuyển đến UBND xã giải quyết còn chậm; cán bộ tham mưu, giúp việc cho HĐND về tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị còn thiếu, năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu nên chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân chưa cao; thiếu thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý và thông tin để thông báo kết quả xử lý đơn thư đến công dân; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý công tác này còn hạn chế. Hiện chưa xây dựng được phần mềm quản lý, theo dõi đơn, thư hay liên thông giữa HĐND các cấp với UBND, các sở ngành, phòng ban trong việc xử lý, giải quyết đơn, thư…

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đã phân tích, HĐND các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định trong thời gian tới./.

Ngọc Diệp