1. Huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối với vùng
Giai đoạn 2021 đến nay, tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số dự án như đường Hương lộ 10 từ ranh giới huyện Long Thành đến huyện Cẩm Mỹ; đường Suối Chồn - Bàu Cối; đường xung quanh hồ Cầu Dầu; đường ĐT.765 huyện Xuân Lộc …); đang triển khai thi công một số công trình trọng điểm của tỉnh và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; đối với các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn, tỉnh đang tích cực hỗ trợ các đơn vị triển khai dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, dự án đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, dự án đường Vành đai 4, hệ thống cảng biển nhóm 5. Riêng đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ dự án...
Dự án đường ven sông Đồng Nai là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh
và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025
Về hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, giai đoạn này, tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều dự án bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, trong đó có dự án trọng điểm Xây dựng tuyến thoát nước cho khu vực ngã 5 Biên Hùng; dự án tuyến thoát nước trên đường Nguyễn Ái Quốc; dự án tuyến thoát nước trên đường Quốc lộ 1A và đang triển khai thi công dự án: Chống ngập úng khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan; Hệ thống thoát nước khu vực Suối nước Trong huyện Long Thành; Chuẩn bị thi công cống thoát nước chống ngập trên đường Đồng Khởi đoạn khu vực cầu Đầu khởi đên ngã 3 Thiết Giáp, phường Trảng Dài và phường Tân Phong. Ngoài ra, tỉnh đang tiếp tục triển khai các dự án Trạm xử lý nước thải trên địa bàn huyện Long Thành, Trảng Bom, Long Khánh. Đến cuối năm 2022, cơ bản đã khắc phục hết ngập các điểm ngập nặng trong thời gian qua (các điểm ngập cục bộ nhỏ lẽ phát sinh mới cũng đã được địa phương tự cân đối nguồn vốn để xử lý), đối với các điểm ngập còn tồn đọng cũng đã có giải pháp khắc phục bằng triển khai các công trình thoát nước chông ngập.
Về hạ tầng du lịch, đến cuối năm 2020, tỉnh đã đầu tư khoảng 300 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng du lịch, đặc biệt là tuyến đường dẫn vào các khu du lịch như: khu du lịch Thác Mai - Bàu nước nóng (Định Quán); tuyến đường dẫn vào danh thắng quốc gia núi Chứa Chan (Xuân Lộc); tuyến đường dẫn vào hồ Đa Tôn (Tân Phú); trùng tu, tôn tạo di tích thành cổ Biên Hòa để tạo thuận lợi về giao thông cho người dân và du khách, đồng thời tạo động lực để mời gọi đầu tư vào các dự án phát triển du lịch. Kết quả, đã thu hút được 26 dự án du lịch.
Hạ tầng giáo dục và đào tạo luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, tỉnh thực hiện tăng nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo từ mầm non đến bậc đại học; phát triển loại hình trường bán trú các cấp, giải quyết dứt điểm tình trạng ca 3 ở các cấp học; đầu tư hệ thống trường trung cấp chuyên nghiệp phục vụ phân luồng học sinh; bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại cho các trung tâm giáo dục thường xuyên để đồng thời đảm nhận vai trò của trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp ở các địa phương chưa có trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp. Đối với hạ tầng y tế, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; góp phần rất lớn đến việc giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
2. Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Để đầu tư phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa phương đã rà soát, xác định các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kết quả, xác định được 98 vùng sản xuất, với diện tích khoảng 18.970 ha (trồng trọt 92 vùng, diện tích 18.830 ha; thủy sản 6 vùng, diện tích 140 ha). Đồng thời, địa phương đã đề xuất 60 dự án kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, trong đó: lĩnh vực nông nghiệp 50 dự án; thủy lợi 03 dự án; nước sạch nông thôn 07 dự án.
Về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đến nay, tỉnh có 05 mô hình được chứng nhận sản xuất hữu cơ với quy mô 11,2 ha. Bên cạnh việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ, các địa phương đang triển khai thực hiện 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 1.454 ha cây trồng và 23,72 ngàn vật nuôi (23.000 con gà, 520 con heo, 200 con bò), dự kiến cuối năm 2023 có thêm 17,8 ha hồ tiêu và 4,5 ha sầu riêng đạt chứng nhận hữu cơ.
Về phát triển chế biến nông sản, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, trong năm 2022, có thêm 17 chuỗi liên kết được hình thành, 09 dự án/kế hoạch liên kết được địa phương phê duyệt đối với sản phẩm sầu riêng, xoài, bưởi, quýt, ca cao, rau trên địa bàn huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất. Lũy kế đến tháng 4/2023, có 197 chuỗi liên kết với sự tham gia của 101 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã (trong và ngoài tỉnh), 35 cơ sở giết mổ và sản xuất kinh doanh và hơn 13.594 hộ sản xuất.
3. Về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics
Tỉnh đang chú trọng phát triển 03 loại hình du lịch: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn và du lịch về nguồn - tâm linh để tạo thương hiệu cho du lịch Đồng Nai. Hiện nay, tỉnh đang thu hút được một số doanh nghiệp lập thủ tục để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại Thác Mai - Bàu Nước Sôi (huyện Định Quán), hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú), núi Chứa Chan và hồ núi Le (huyện Xuân Lộc), Công viên Safari, Công viên Thể thao Hàng Không (Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên - Văn hóa Đồng Nai). Ngoài du lịch vườn được phát triển trong thời gian qua tại thành phố Long Khánh, hiện nay đã hình thành và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Cánh đồng Phú Điền (huyện Tân Phú), điểm du lịch Vườn hoa Bốn Mùa (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc), sản phẩm du lịch trải nghiệm thiên nhiên kết hợp với tìm hiểu văn hóa của người dân địa phương tại Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Thác Mai - Nước Bàu Sôi.
Về phát triển dịch vụ logistic, theo Quyết định số 4538/QĐ-UBND, tỉnh Đồng Nai quy hoạch xây dựng 01 Trung tâm Logistic cấp vùng tại khu vực huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (Tổng kho miền Đông) và các Trung tâm Logistics chuyên dụng của tỉnh. Hiện nay, quy hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang được tiếp tục rà soát, tích hợp vào Quy hoạch của tỉnh.
4. Về nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Tỉnh đã thực hiện hướng dẫn tạm thời thực hiện chuyển đổi số cấp xã đến năm 2025, qua đó, đã phối hợp triển khai thí điểm 03 xã trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số áp dụng mô hình trung tâm điều hành cấp xã, gồm: xã Long Phước - huyện Long Thành (Viettel Đồng Nai đồng hành hỗ trợ); xã Bình Lợi - huyện Vĩnh Cửu (VNPT Đồng Nai đồng hành hỗ trợ); xã Bảo Hòa - huyện Xuân Lộc (Mobifone Đồng Nai đồng hành hỗ trợ) để nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, giúp cán bộ, người dân thuận tiện theo dõi, nắm bắt tình hình thông tin. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh (Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử) đảm bảo để thực hiện kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí tại một số cơ sở y tế; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử và kê khai thuế điện tử đạt 99% so với tổng lượt hồ sơ khai thuế đã nộp; thực hiện nộp (tiền) thuế được giao dịch trên ứng dụng không tiền mặt đạt 99,72%; thực hiện hoàn (tiền) thuế trực tiếp trên ứng dụng đạt 100% hồ sơ hoàn thuế GTGT xuất khẩu và đầu tư.
Nhìn chung, các Sở, ngành, UBND các huyện và các đơn vị của tỉnh tâp trung, nỗ lực thực hiện các Kế hoạch, chương trình triển khai các nhiệm vụ đột phá; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, đến nay kết quả và tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch, chương trình còn chậm so với yêu cầu đã đề ra.
Lê Lài