Tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch giao thông vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn còn chậm

Đăng ngày: 04/07/2023
 ​Qua hơn 06 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 87,47 km đường giao thông do tỉnh quản lý đã được đầu tư nâng cấp, làm mới hoàn thành đưa vào khai thác với tổng kinh phí thực hiện là 3.731 tỷ đồng​

    ​Nhằm đánh giá việc đầu tư, nâng cấp mạng lưới giao thông đường bộ, đảm bảo khả năng kết nối giao thông thông suốt, liên thông với mạng lưới guao thông vùng quốc gia, phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách tổ chức khảo sát, giám sát đối với UBND các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán; các sở: Giao thông Vận tải; Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đoàn giám sát do ông Nguyễn Kim Phước - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách làm trưởng đoàn.

    Qua giám sát cho thấy: Thực hiện Nghị quyết số 40/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 và Nghị quyết số 40/2021/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của HĐND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 615/QĐ-UBND ngày 03/3/2017 và Quyết định số 4466/QĐ-UBND ngày 27/10/2021; tổ chức công bố cho các Sở, ngành và địa phương biết để căn cứ triển khai thực hiện trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện Xuân Lộc, Định Quán và Cẩm Mỹ đã xây dựng kế hoạch, triển khai, tập trung các nguồn lực để đầu tư mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông theo quy hoạch được phê duyệt, cơ bản thực hiện theo nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt, kết quả như sau:

    Đối với hệ thống đường tỉnh: Tổng số có 36 tuyến đường hiện hữu đầu tư nâng cấp, kéo dài; các tuyến bổ sung quy hoạch và các tuyến trục chính quan trọng khác dự kiến thực hiện. Đến nay, đã có 11 tuyến đường đã và đang đầu tư, trong đó có 08 tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng (với chiều dài 87,47 km, tổng kinh phí thực hiện là  3.731 tỷ đồng), đạt tỷ lệ 50%, 05 tuyến đã phê duyệt chủ trương đầu tư, 20 tuyến đường chưa đề xuất đầu tư.

anh phuoc hop giao thong tai huyen DQ.jpg
 
ông Nguyễn Kim Phước - Ủy viên Thường trực HĐND, Trưởng Ban KT-NS HĐND tình trao đổi một số nội dung tại buổi giám sát tại huyện Định Quán

    Đối với tuyến đường do cấp huyện quản lý: Đối với huyện Xuân Lộc: Tổng số có 20 tuyến đường hiện hữu đầu tư nâng cấp, kéo dài; các tuyến bổ sung quy hoạch dự kiến thực hiện. Đến nay, đã có 11 tuyến đường đã và đang đầu tư, trong đó có 05 tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng với chiều dài 26,54 km, tổng kinh phí thực hiện là 225,63 tỷ đồng), đạt tỷ lệ 23,8%; 05 tuyến đường đã lập dự án đầu tư chưa trình phê duyệt; 04 tuyến đường chưa bố trí vốn thực hiện.

    Đối với huyện Cẩm Mỹ: Tổng số có 46 tuyến đường hiện hữu đầu tư nâng cấp, kéo dài; các tuyến bổ sung quy hoạch dự kiến thực hiện. Đến nay, đã có 24 tuyến đường đã và đang đầu tư, trong đó có 21 tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng (với chiều dài 96 km, tổng kinh phí thực hiện là 554,12 tỷ đồng), đạt tỷ lệ 28,8%; 18 tuyến đường chưa có chủ trương đầu tư; 04 tuyến đang chờ thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đối với huyện Định Quán: Tổng số có 40 tuyến đường hiện hữu đầu tư nâng cấp, kéo dài; các tuyến bổ sung quy hoạch dự kiến thực hiện, trong đó giai đoạn 2016-2020 là 19 tuyến với tổng chiều dài là 130.8 km; giai đoạn 2021-2025 là 30 tuyến với tổng chiều dài là 215,8 km (trong đó có các tuyến đường chuyển tiếp để tiếp tục đầu tư). Đến nay, đã có 21 tuyến đường đã và đang đầu tư, trong đó có 17 tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng (với chiều dài 101,43 km, tổng kinh phí thực hiện là 215,8 tỷ đồng), đạt tỷ lệ 49,25%[1]; 05 tuyến đường chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.

hinh cam.jpg

Đoàn khảo sát của Ban KT-NS HDND tỉnh làm việc với đại diện UBND huyện Cầm Mỹ về khảo sát tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ

Nhìn chung, việc đầu tư các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng yêu cầu về kết nối giao thông giữa các địa phương, khu vực lận cận được thông suốt góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh theo định hướng phát triển lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt đã tạo ra diện mạo mới cho các địa phương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện quy hoạch giao thông vận tải bộc lộ ra một số hạn chế như sau:

Tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch giao thông vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn còn chậm. Qua hơn 6 năm triển khai và 03 lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay còn một số tuyến đường giao thông trong giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021- 2025 chưa được các đơn vị chủ động lập dự án, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, do đó chưa đáp ứng được mục tiêu mà nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra (20 tuyến đường tỉnh; 5 tuyến đường thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc; 16 tuyến đường thuộc địa bàn huyện Định Quán và 18 tuyến đường thuộc địa bàn huyện Cẩm Mỹ)

Có 85/142 tuyến đường quy hoạch thuộc hệ thống giao thông tỉnh và huyện (Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán) đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo từng giai đoạn làm cơ sở để lập dự án đầu tư, trình thẩm định, phê duyệt và bố trí vốn hàng năm thực hiện. Tuy nhiên, số lượng các tuyến đường giao thông được bố trí vốn thực hiện hàng năm còn hạn chế và tỷ lệ các tuyến đường được đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác chưa cao. Một số trường hợp có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhưng không bố trí vốn hàng năm làm cơ sở để triển khai thực hiện là chưa đúng quy định tại Điều 51, Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của dự án. cụ thể:

Nhu cầu đầu tư các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh, huyện là rất lớn nhằm đảm bảo kết nối giao thông thông suốt từ tỉnh đến huyện, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là rất lớn, nguồn ngân sách cấp huyện còn hạn chế, việc huy động nguồn lực khác ngoài ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, do đó còn nhiều tuyến đường giao thông do huyện quản lý được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh theo tỷ lệ 50% đến 100%. Việc ngân sách tỉnh chi hỗ trợ cho một số địa phương đầu tư các dự án giao thông là cần thiết trong trường hợp các công trình, dự án thuộc Điều 6 Luật Đầu tư công đã được phân bổ vốn và còn thừa chưa phân bổ hết. Tuy nhiên, nguồn ngân sách tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư công còn dàn trãi, qua rà soát còn 20 tuyến đường giao thông tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn làm cơ sở để triển khai đầu tư kết nối giao thông giữa các địa phương và vùng lân cận.

ccn phu tuc.jpg
Đoàn khảo sát của Ban KT-NS HDND tỉnh khảo sát tuyến đường tuyến đường nối CCN Phú Túc đi ĐT.763 trên địa bàn huyện Định Quán

Công tác kiểm tra, giám sát việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông theo phân cấp quản lý chưa thường xuyên và chặt chẽ, dẫn đến một số tồn tại chưa được khắc phục, như: Còn tuyến đầu tư chưa đảm bảo về thông số kỹ thuật (đường cong, khuất tầm nhìn và mặt cắt đường); một số tuyến đường duyệt dự án đầu tư không kết nối được (đường ĐT.769G, ĐT.771C); kết nối không đồng bộ; việc bố trí vốn đầu tư công để thực hiện các tuyến đường không đúng giai đoạn đầu tư và mục tiêu đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Các hạn chế nêu trên chưa được sở, ngành và địa phương kiểm tra để kịp thời điều chỉnh, bổ sung làm cơ sở để triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án; tính pháp lý khi thực hiện lập, phê duyệt và bố trí vốn đầu tư công để triển khai thực hiện dự án và việc đảm bảo an toàn cho chủ phương tiện khi lưu thông trên các tuyến đường,

Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương có liên quan trong việc thực hiện quy trình thủ tục về đầu tư, đất đai và đầu tư kết nối các tuyến đường liên huyện có lúc, có thời điểm chưa chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và kết nối giao thông giữa các địa phương chưa có sự đồng bộ.

Qua giám sát, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế cần rút kinh nghiệm, Ban Kinh tế - Ngân sách đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tập trung thực hiện một số nội dung:

- Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập, quản lý quy hoạch, góp phần phát triển giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, bền vững.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông đã được phê duyệt, kịp thời bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác theo tiến độ đề ra; đối với các dự án có tính cấp thiết đang triển khai thực hiện nhưng chậm tiến độ do hạn chế về nguồn vốn, vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xem xét bố trí nguồn vốn đảm bảo thứ tự ưu tiên để thực hiện các dự án giao thông theo quy hoạch và quy định của Luật Đầu tư công; kịp thời hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.

- Phối hợp chặt chẽ trong công tác lập và thực hiện các quy hoạch về giao thông, đất đai, xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

- Hướng dẫn các địa phương xử lý các trường hợp có sai lệch cục bộ giữa quy hoạch xây dựng (đường đô thị), giao thông với quy hoạch sử dụng đất; xử lý các trường hợp lệch ranh thửa đất ngoài thực địa và trích lục bản đồ.

- Rà soát, lập quy hoạch hệ thống giao thông vận tải đường bộ định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn huyện đưa vào hợp phần quy hoạch chung của tỉnh làm cơ sở để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Nguyễn Bình

 



 ​