Trong năm 2021, Dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Kinh tế tỉnh tăng trưởng chậm so với cùng kỳ; kết quả phát triển các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là dịch vụ; thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài và đăng ký thành lập mới doanh nghiệp đều giảm. Lĩnh vực y tế bị ảnh hưởng nặng nề do tập trung toàn bộ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất vào công tác phòng, chống dịch. Trong bối cảnh đó, Tỉnh chỉ đạo, thực hiện kịp thời, nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid 19, công tác hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; triển khai nhiều giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, các doanh nghiệp an tâm sản xuất và duy trì hoạt động kinh doanh đảm bảo liên tục; đời sống người dân ổn định, góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 2,77%; kim ngạch xuất khẩu tăng 13,5% so cùng kỳ; cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 ước tính xuất siêu khoảng 5,66 tỷ USD; thu ngân sách vượt dự toán giao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 Đồng Nai xếp hạng 20/63 tỉnh thành, tăng 3 bậc so với năm 2019; tình hình Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, triệt phá được những vụ án lớn có quy mô, tính chất liên vùng như các đại án về mua bán xăng giả, ma túy, khởi tố hành vi “trốn thuế” đối với hệ thống kinh doanh dược phẩm lớn nhất trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông được triển khai đồng bộ, quyết liệt, kéo giảm tai nạn giao thông ở 3 tiêu chí; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được quan tâm thực hiện, đặc biệt cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm an ninh an toàn về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Bước sang năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến khó lường; dịch bệnh covid-19 mặc dù đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng. Trong bối cảnh đó, tỉnh Đồng Nai đã chủ động nắm tình hình, nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, cùng với đó là sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, niềm tin của người dân tạo nên động lực để khôi phục và phát triển kinh tế theo mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cụ thể:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá tốt; các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục tăng trưởng tốt: năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt 233.979,7 tỷ đồng, tăng 9,22% so với cùng kỳ; quý I/2023 đạt 54.690,4 tỷ đồng, tăng 3,25% so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp có tín hiệu phục hồi nhanh, các ngành sản xuất ổn định, xu hướng phát triển tích cực, nhất là một số ngành sản xuất chủ lực giữ vai trò quan trọng, tiếp tục là “lực kéo” cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
- Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ đang từng bước phục hồi và có nhiều khởi sắc, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng mạnh. Tình hình xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu khả quan, một số nhóm hàng như: cà phê, hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện tử,… có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, góp phần tạo giá trị xuất siêu khá trong hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh.
- Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán giao đầu năm. Công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công được tập trung thực hiện, tỉnh đã thành lập Tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công.
- Các hoạt động văn hoá, xã hội, giáo dục đào tạo, được các ngành, địa phương triển khai hiệu quả: hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch diễn ra sôi động, phong phú; dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, số ca mắc mới, số ca nặng giảm.
- Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và người dân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được các ngành, địa phương tâp trung thực hiện, bước đầu phát huy hiệu quả.
- Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, số vụ phạm pháp hình sự giảm, tỷ lệ khám phá các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt khá; công tác bảo đảm, trật tự an toàn giao thông được kiềm chế kéo giảm về số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ.
Từ quý III/2022 đến nay, mặc dù các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng trưởng của các khu vực rất thấp, nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng, trong quý 1/2023 tăng 0,58%, trong khi khu vực này chiếm cơ cấu trên 60% GRDP nên ảnh hưởng mức tăng trưởng chung. Kết quả thu hút đầu tư các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, đạt thấp và tập trung chủ yếu trong các Khu công nghiệp; các dự án đầu tư nước ngoài thu hút mới có quy mô dự án và vốn đầu tư tương đối nhỏ; chưa thu hút được dự án lớn do quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê còn hạn chế. Kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương còn thấp, chưa đạt kế hoạch đã đề ra.
Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp; tình hình tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, giá bán các thành phẩm nông, lâm, thủy sản xuống thấp, nhất là giá heo, giá gà giảm sâu trong thời gian dài; việc kêu gọi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội đang triển khai đều chậm so với chủ trương được phê duyệt. Việc đầu tư nhà ở xã hội còn gặp khó khăn trong việc lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, một số hồ sơ UBND huyện chưa đủ cơ sở lập hồ sơ, hoặc phải thẩm định nhiều lần hoặc đã thẩm định xong nhưng chưa đủ cơ sở trình phê duyệt. Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc thiếu hụt đơn hàng, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường xã hội chậm, nhất là các ngành sản xuất chủ lực như, dệt, may mặc, sản xuất da và giày da, hóa chất, sản phẩm điện tử, giường, tủ, bàn ghế...; việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm, thiếu việc làm, cho công nhân nghỉ việc,…
Mặc dù, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp liên quan đến nhiệm vụ của Ngành, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp chây ì, trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, chậm đóng số tiền lớn, thời gian kéo dài dẫn tới tỷ lệ nợ tăng cao. Số người nộp hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần tăng cao, gây quá tải tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ.
Quá trình triển khai thực hiện, tiến độ và nội dung của lập các quy hoạch vẫn chậm so với kế hoạch; kết quả và tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch, chương trình đột phá còn chậm so với yêu cầu đã đề ra.
Lê Lài