Kết quả 2,5 năm thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm đến năm 2025

Đăng ngày: 29/08/2023
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh và tình hình thực tế của tỉnh, nhằm triển khai có hiệu quả các kế hoạch đột phá đề ra, Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 để triển khai thực hiện; UBND tỉnh, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình làm việc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.​

​Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 6/8 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ, đạt 75% kế hoạch; hình thành 45/40 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, vượt 12,5 % kế hoạch; tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đạt 0,64%; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tiêu thụ qua hợp đồng liên kết đạt 40%; tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương đạt 1,14%; tỷ lệ các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt 52%.

Về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Đã xác định được 300 vùng sản xuất tập trung với quy mô gần 91 ngàn ha và 08 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hơn 6,5 ngàn ha tại huyện Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất, Nhơn Trạch, các vùng sản xuất được cập nhật vào Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030 để làm cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi đầu tư. Trong đó, trồng trọt có 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao; 131 đơn vị sản xuất, chế biến nông sản được cấp nhãn hiệu hàng hóa; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng với diện tích 57.822 ha; 2.758 ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất an toàn với sản lượng khoảng 219.000 tấn/năm; gần 149 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới. Chăn nuôi đã duy trì khoảng 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; có 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải; khoảng 45% tổng đàn heo, 31% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc; 150 trang trại và 07 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP với sản lượng cung ứng ra thị trường với khoảng 110.000 tấn thịt heo/năm và 55.000 tấn thịt gà/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm thủy sản chủ lực (cá, tôm) sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm đạt gần 40%; một số mô hình nuôi tôm thâm canh tiếp tục được triển khai nhận rộng với diện tích đến nay là 302,5 ha, tiêu biểu như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao (CPF Combine) tại huyện Nhơn Trạch, Long Thành đến nay có 77 hộ nuôi với tổng diện tích gần 156 ha (tăng 11 hộ với diện tích 15 ha so năm 2021), cho lợi nhuận khoảng 600 - 800 triệu đồng/ha.

Về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ: Đến nay, tỉnh có 06 mô hình được chứng nhận sản xuất hữu cơ với quy mô 12,2 ha; bên cạnh việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hữu cơ, các địa phương đang triển khai thực hiện 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô 1.454 ha cây trồng và 23,72 ngàn vật nuôi (23.000 con gà, 520 con heo, 200 con bò), dự kiến cuối năm 2023 có thêm 17,8 ha hồ tiêu và 4,5 ha sầu riêng đạt chứng nhận hữu cơ. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã ban hành chính sách đặc thù về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2030, ký kết các biên bàn thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh với các tập đoàn, doanh nghiệp về phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030,...

Về chế biến nông lâm thủy sản: Hoạt động chế biến nông sản được tập trung vào một số ngành hàng có thế mạnh, như: chế biến thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, cà phê, hạt điều, rau củ quả, lâm sản, trong đó chế biến gỗ và lâm sản là lĩnh vực thuộc tốp đầu cả nước với 1.454 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục với 1,91 tỷ USD.

Về thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản: Trong thời gian qua, các ngành, địa phương kịp thời thông tin về tình hình diễn biến thị trường nông sản để doanh nghiệp, người dân có phương án sản xuất phù hợp; nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa được tổ chức, như: hội nghị kết nối cung cầu nông sản trong và ngoài nước, kết nối thực phẩm sạch vào bếp ăn tập thể, hỗ trợ đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử; đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức thành công 02 Lễ xuất khẩu đối với sản phẩm chuối và sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. 

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện còn một số khó khăn như: Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng và nhận diện thương hiệu, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhất là nhập thiết bị; tuy nhiên, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn, điều kiện thủ tục để được hỗ trợ còn khó khăn...; tập quán sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất nhằm đáp ứng các yêu cầu năng suất, sản lượng vẫn còn ăn sâu vào suy nghĩ của nông dân và cần có thời gian để thay đổi; thiếu nhân lực khi chuyển sang canh tác hữu cơ; tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế về số lượng và quy mô; áp lực đô thị hóa và tốc độ phát triển công nghiệp ảnh hưởng vùng sản xuất hữu cơ; quy mô sản xuất nhỏ lẻ người dân không có điều kiện bố trí cách ly khu vực sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tài liệu tập huấn đào tạo về sản xuất hữu cơ còn chưa phổ biến; chưa có sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ, khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ với các sản phẩm thông thường khác hoặc chưa hình thành, đảm bảo được những thương hiệu sản phẩm hữu cơ đủ mạnh…

Lê Lài