Kinh tế tăng trưởng chậm so với cùng
kỳ; lĩnh vực y tế bị ảnh hưởng nặng nề
do tập trung toàn bộ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất vào công tác phòng,
chống dịch. Bước sang năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dịch bệnh Covid-19
mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến
hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Trong bối cảnh đó,
tỉnh Đồng Nai đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, Tỉnh ủy về công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, cùng với
sự đóng góp tích cực của người dân, doanh nghiệp đã tạo động lực để khôi phục
và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra: Tốc độ tăng
trưởng kinh tế đạt khá tốt (năm 2021 tăng 2,77%; năm 2022 tăng 9,22% và dự kiến
năm 2023 tăng 7,5-8,5%); tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt khá so với dự toán
đầu năm (giai đoạn 2021-2023 dự ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn
đạt khoảng 193.700 tỷ đồng, đạt 118% dự toán giao, chiếm 14,9% GRDP); công tác
an sinh xã hội được triển khai tích cực; các chính sách hỗ trợ người lao động,
doanh nghiệp và người dân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được
các ngành, địa phương tập trung thực hiện. Tình hình Quốc
phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, triệt phá được những vụ án
lớn có quy mô, tính chất liên vùng như các đại án về mua bán xăng giả, ma túy,
khởi tố hành vi “trốn thuế” đối với hệ thống kinh doanh dược phẩm lớn nhất trên
địa bàn tỉnh; công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông được
triển khai đồng bộ, quyết liệt, kéo giảm tai nạn giao thông ở 3 tiêu chí; cơ sở
dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân
được quan tâm thực hiện.
Bên cạnh những
kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021-2022 và những tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh
vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như:
Từ quý III/2022 đến nay, mặc dù các khu
vực kinh tế đều có mức tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng trưởng của các khu vực
rất thấp, nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng, trong quý 1/2023 tăng 0,58%, trong
khi khu vực này chiếm cơ cấu trên 60% GRDP nên ảnh hưởng mức tăng trưởng chung.
Kết quả thu hút đầu tư các dự án đầu tư trong nước và
nước ngoài, đạt thấp và tập trung chủ yếu trong các Khu công
nghiệp; các dự án đầu tư nước ngoài thu hút mới có quy mô dự
án và vốn đầu
tư tương đối nhỏ; chưa thu hút được dự án lớn do quỹ đất công nghiệp sẵn sàng
cho thuê còn hạn chế. Kết quả giải ngân vốn ngân sách
trung ương và vốn ngân sách địa phương còn thấp, chưa đạt kế hoạch đã đề ra.
Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn
diễn biến phức tạp; tình hình tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, giá bán các
thành phẩm nông, lâm, thủy sản xuống thấp, nhất là giá heo, giá gà giảm sâu
trong thời gian dài; việc kêu gọi thu hút doanh nghiệp
đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.
Tiến độ thực hiện các
dự án nhà ở xã hội đang triển khai đều chậm so với chủ trương được phê duyệt. Quỹ đất kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội còn gặp khó khăn trong việc lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu
tư, một số hồ sơ UBND huyện chưa
đủ cơ sở lập hồ sơ, hoặc phải thẩm định nhiều lần hoặc đã thẩm định xong
nhưng chưa đủ cơ sở trình phê duyệt.
Mặc dù Bảo hiểm xã
hội tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp liên quan đến nhiệm vụ của
Ngành, tuy nhiên vẫn còn tình trạng nhiều doanh nghiệp chây ì, trốn tránh trách
nhiệm đóng BHXH, BHYT, chậm đóng số tiền lớn, thời gian kéo dài dẫn tới tỷ lệ
nợ tăng cao. Số người nộp hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần tăng cao, gây quá tải
tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ.
Vẫn còn tình trạng tự ý phân lô bán
nền, sử dụng đất không đúng mục đích, không tuân thủ theo quy hoạch đã được phê
duyệt; việc rà soát, xử lý các tồn tại liên quan đến đất nông, lâm trường, đất
quốc phòng, đặc biệt là lập phương án sử dụng đất đối với các khu đất thu hồi
bàn giao địa phương quản lý thực hiện còn chậm. Quá trình triển khai thực hiện, tiến độ và nội
dung của lập các quy hoạch vẫn chậm so với kế hoạch; kết quả và tiến
độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch, chương trình đột phá còn chậm so với
yêu cầu đã đề ra.
Nguyễn Thị Oanh