Hạn chế, khó khăn trong hoạt động HĐND

Đăng ngày: 11/09/2023
​Hàng năm, HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ của năm sau, có điều chỉnh, bổ sung tại các kỳ họp giữa năm, tuy nhiên tác động từ hoạt động HĐND đối với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn chưa đạt như mong muốn và kế hoạch đề ra

​    Hàng năm, HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ của năm sau, có điều chỉnh, bổ sung tại các kỳ họp giữa năm, tuy nhiên tác động từ hoạt động HĐND đối với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn chưa đạt như mong muốn và kế hoạch đề ra, Dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 6,79%, không đạt mục tiêu Nghị quyết (Mục tiêu Nghị quyết 5 năm 2021-2025 bình quân hàng năm tăng trên 8,5%); GRDP bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư xã hội đạt thấp vấn đề này cho thấy việc dự báo trước khi đi đến quyết nghị chưa sát thực tế.
    Về tổ chức bộ máy, đến giữa kỳ, đại biểu HĐND tỉnh giảm 6% trên tổng số đại biểu do xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu. Đây là tỷ lệ giảm lớn, các trường hợp xin thôi đều vì chuyển hoặc nghỉ công tác, vấn đề này cho thấy việc quy hoạch, bố trí cán bộ của một số cơ quan, đơn vị, nơi đại biểu HĐND công tác thiếu sự kết nối với việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND.
    Về tổ chức của Thường trực HĐND, đầu nhiệm kỳ có 05 thành viên, so với nhiệm kỳ trước giảm 02 thành viên; đến ngày 05/5/2023 có 01 thành viên đảm nhận nhiệm vụ mới, trong khi chức năng, nhiệm vụ của HĐND tăng do đó tạo thêm khó khăn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng cao hơn của tập thể Thường trực HĐND.
    Về hoạt động HĐND, mặc dù số lượng Nghị quyết ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay rất lớn nhưng lại có nhiều Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ, thu hút với nguồn kinh phí rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính; HĐND tỉnh chưa ban hành được Nghị quyết mang tính chất phát huy thế mạnh của địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực xã hội hóa.
    Sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân dân có lúc chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo đúng quy định như: một số đề án, báo cáo, tờ trình dự thảo Nghị quyết gửi đến Thường trực, các Ban HĐND tỉnh (quy định chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, hồ sơ dự thảo các Nghị quyết phải gửi đến các Ban HĐND để thẩm tra) và việc phối hợp tham mưu cho Đảng đoàn và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy những nội dung quan trọng trước khi xem xét, quyết định trong một số trường hợp còn chậm.
    Một số nội dung mới được HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị đã phải điều chỉnh, bổ sung. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn tuy đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo khẩn trương thực hiện, tuy nhiên, một số vấn đề tiến độ thực hiện có chậm so với yêu cầu; một số nội dung đã giám sát có kiến nghị, đồng thời chất vấn nhưng giải quyết chưa dứt điểm.
    Việc báo cáo trả lời ý kiến cử tri được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu thực hiện và báo cáo kết quả về Thường trực HĐND tỉnh để trả lời đến cử tri, đạt tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, thời gian giải quyết thường chậm; còn ý kiến trả lời chưa đi vào trọng tâm, chưa sát với nội dung kiến nghị của cử tri hoặc chậm thực hiện nội dung đã trả lời dẫn đến tình trạng một số ý kiến phản ánh nhiều lần.
   Hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh có lúc còn hạn chế (một số thời điểm có một số Tổ đại biểu chưa tích cực tham gia các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri; họp Tổ đại biểu không đều; nhiều tổ đại biểu chưa chủ động phát hiện tổ chức giám sát các vấn đề tiêu cực, nhạy cảm, kể các các nội dung phản ánh qua báo chí).
    Hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh chưa nhiều và chưa tổ chức thường xuyên; chưa tổ chức nhiều hoạt động tái giám sát.

​Nguyễn Thị Oanh