Tham dự thảo luận có 54/76 đại biểu HĐND tỉnh (vắng 22 đại
biểu có lý do); Thường trực Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo và thành
viên UBND tỉnh; Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các Ban Đảng Tỉnh ủy; Văn phòng
Tỉnh ủy; Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và đại diện các sở, ban,
ngành, đoàn thể, địa
phương và cử tri của tỉnh; các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương.
Qua thảo luận, đã có 51 đại biểu phát biểu với 121 ý kiến
đối với các đề án, tờ trình trình ra kỳ họp và các vấn đề về kinh tế - xã hội,
quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2023; các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp
năm 2023 trên địa bàn tỉnh; về hoạt động HĐND, đồng thời thảo luận về các Nghị quyết
chuyên đề trình ra kỳ họp. Chủ tọa kỳ họp báo cáo tóm tắt kết quả thảo luận tại
các Cụm tổ như sau:
Về các nội dung báo cáo chuyên đề, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí
với các báo cáo chuyên đề trình ra kỳ họp của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND
và Cục Thi hành án dân sự tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đối
với các báo cáo chuyên đề.
Về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, các đại biểu nhất trí
và đánh giá, 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã tập trung chỉ
đạo các sở, ngành và địa phương của tỉnh tham mưu UBND tỉnh triển khai thực
hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa
phương; thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai
lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực
hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Chương trình phục hồi
phát triển kinh tế; về triển khai một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị
trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, những
khó khăn, tồn tại, hạn chế vẫn
còn nhiều dẫn đến những thách thức trong 6 tháng cuối năm còn rất lớn; đặc biệt
cần phải khắc phục 7 nhóm vấn đề sau: (1). Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng thấp hơn so với cùng kỳ (tăng 4,01%, cùng kỳ tăng 7,06%), đặc biệt là
khu vực công nghiệp (chỉ tăng 2,28%); (2). Hoạt động sản
xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn; (3). Kết nối tiêu
thụ sản phẩm nông, công nghiệp còn gặp nhiều hạn chế; (4). Công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các
quy hoạch chậm so với kế hoạch đã đề ra; (5). Thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với dự toán;
(6). Một số đơn vị còn chậm trong việc giải ngân chi hỗ trợ cho người lao động;
(7). Kết nối cung cầu lao động giữa người lao động bị mất việc làm với các
doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khác còn bị động và chưa phát huy hiệu quả
cao.
Nguyễn Thị Oanh