Điều 58 của Luật quy định về chương trình giám sát của HĐND có quy định: “Thường trực
Hội đồng nhân dân dự kiến chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng nhân dân
trên cơ sở đề nghị của các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân
dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và kiến nghị của
cử tri ở địa phương trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa
năm của năm trước. Chậm nhất là ngày 01 tháng 3 của năm trước, các Ban của Hội
đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam cùng cấp và cử tri ở địa phương gửi đề nghị, kiến nghị giám sát
của Hội đồng nhân dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân. Đề nghị, kiến nghị
giám sát phải nêu rõ sự cần thiết, nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát. Văn
phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, bộ phận giúp việc Hội đồng nhân dân cấp
huyện, cấp xã tập hợp, tổng hợp đề nghị, kiến nghị giám sát và báo cáo Thường
trực Hội đồng nhân dân. Thường trực Hội đồng nhân dân thảo luận và lập dự kiến
chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân để trình Hội đồng nhân dân xem xét,
quyết định chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp giữa năm của Hội
đồng nhân dân’.
Cơ quan Thi hành án dân sự là đối tượng giám sát và chất vấn của HĐND
Với việc quy định chương trình giám
sát năm sau được quyết định tại kỳ họp giữa năm của năm trước, thực tế cho thấy
chỉ phù hợp với địa bàn tỉnh do phạm vi, đối tượng giám sát rộng và là cơ quan
có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương; đối với
HĐND cấp huyện, cấp xã, thẩm quyền ban hành văn bản QPPL có hạn, chủ yếu là
triển khai thực hiện các văn bản cấp trên, do đó thời điểm ban hành chương
trình giám sát vào kỳ họp giữa năm là chưa phù hợp.
Một đoàn giám sát của Thường trực HĐND
Về đối
tượng chất vấn của đại biểu HĐND, Điểm a, b, c khoản 1, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc
hội và HĐND quy định HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND giám sát hoạt động
của “UBND, Toà án nhân dân, Viện
kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp”. Tuy nhiên, đến
hoạt động chất vấn quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 lại không có người đứng
đầu cơ quan Thi hành án dân sự, cụ thể: “Đại biểu HĐND chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh
án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan
thuộc UBND cùng cấp”. Bên cạnh việc bổ sung Cục trưởng Cục thi hành án
dân sự, người đứng đầu một số cơ quan ngành dọc khác đóng tại địa phương như
Thuế, Bảo hiểm, Hải quan, Ngân hàng nhà nước, Kho bạc nhà nước, Thống kê cũng
cần được đưa vào là đối tượng chất vấn vì hoạt động của các cơ quan này cũng
liên quan chặt chẽ đến hoạt động của Chính quyền địa phương. Đồng thời, các chủ
thể trên không phải là đối tượng của phiên giải trình tại Phiên họp Thường trực
HĐND cũng là những bất cập cần giải quyết vì giải trình cũng là hoạt động giám
sát và có nhiều điểm tương đồng với hoạt động chất vấn.
Quy định của Luật hoạt động giám sát
mới chỉ đề cập đến việc công khai hoạt động giám sát của HĐND mà chưa đề cập
đến công tác truyền thông để lan tỏa về hoạt động HĐND và chuyển đổi số, xây
dựng cơ sở dữ liệu trong hoạt động HĐND để tránh trùng lắp về thời gian, nội
dung, đối tượng giám sát giữa các cơ quan của HĐND.
Nguyễn Thị Oanh