Đại biểu HĐND tỉnh đánh giá về hoạt động giám sát của HĐND 3 cấp và kiến nghị đối với giám sát của Tổ đại biểu

Đăng ngày: 05/10/2023
​Hội nghị tổng kết 7 năm thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thùy Linh, đơn vị Long Thành với kinh nghiệm của người đã hoạt động đại biểu HĐND ở cả 3 cấp đã có những chia sẻ và kiến nghị cụ thể.

​    Là đại biểu thứ 2 đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận của Hội nghị tổng kết 7 năm thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu HĐND tỉnh Thùy Linh, đơn vị Long Thành đã có những chia sẻ rất thẳng thắn từ người đã có kinh nghiệm hoạt động đại biểu HĐND 3 cấp.
    IMG_6829.JPG
           Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Linh phát biểu tại Hội nghị


   Theo đánh giá của cá nhân đại biểu, giám sát của cấp huyện, cấp xã chưa được mạnh dạn như cấp tỉnh do phần nhiều là giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo. Vấn đề này có nguyên nhân một phần là phạm vi của cấp huyện, xã hẹp nên có tâm lý e ngại “đụng chạm”, đặc biệt là quan niệm và tâm lý cho rằng nếu trong quá trình giám sát có kết hợp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu như thanh tra, kiểm tra là “vạch lá tìm sâu”. Bên cạnh đó nguyên nhân chính vẫn là năng lực và bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, công chức quyết định chất lượng, hiệu quả của giám sát. Với thực trạng hiện nay, cấp huyện chỉ có từ 1,5 đến 2 cán bộ Văn phòng tham mưu, giúp việc cho hoạt động HĐND là chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Bợi lẽ trong khi đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thực hiện theo nhiệm kỳ, có thể đi hoặc ở lại nhưng đội ngũ cán bộ Văn phòng là những người không hoạt động theo nhiệm kỳ, có sự gắn bó xuyên suốt với HĐND nên cần phải được củng cố.
    Liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, tại báo cáo giám sát do Thường trực HĐND tỉnh trình bày có nội dung kiến nghị Trưởng Ban HĐND được giới thiệu ứng cử cấp ủy là nội dung đại biểu đồng tình vì có như vậy mới tạo sự tương xứng về vai trò giữa đơn vị giám sát và chịu sự giám sát, từ đó mới thuận lợi cho hoạt động của HĐND.
    Đại biểu cũng quan tâm đến quy định về giám sát của Tổ đại biểu và đồng tình với nhận định, giám sát của Tổ đại biểu có thể có nể nang do đó đề xuất việc giám sát chéo qua hình thức tổ đại biểu thuộc địa bàn này có thể tổ chức giám sát tại địa bàn khác; việc quy định như vậy nhằm mục đích giúp giám sát khách quan hơn, tránh được tình trạng nể nang vì là người địa phương và tình trạng “mình tự giám sát mình”.
    Một nội dung được đại biểu quan tâm là việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Theo Đại biểu Thùy Linh, chế tài trong Luật vẫn chưa đủ nên không rõ yếu tố quyền lực và một số vấn đề sau giám sát rất khó cải thiện do chế tài không đủ mạnh và đó là vấn đề mà Luật giám sát sửa đối sắp tới cần hoàn thiện.

Nguyễn Thị Oanh