Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Đăng ngày: 09/10/2023
​Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, tỉnh Đồng Nai đạt được một số kết quả về Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như sau:​

Về phát triển hạ tầng số: Hạ tầng viễn thông cố định băng thông rộng cáp quang đã được thiết lập đến 100% các ấp, tổ dân phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu kết nối internet băng thông rộng, tốc độ cao tới các ấp, làng, trường học, bệnh viện, trung tâm cộng đồng trên toàn tỉnh. Trên toàn tỉnh có khoảng 3.500 trạm thu phát sóng thông tin di động 3G/4G, phủ sóng đến 100% khu dân cư, thôn/khu phố của các xã, phường góp phần đảm bảo thông tin liên lạc cho các cấp chính quyền địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu người dân; hạ tầng Internet băng thông rộng cũng được phủ tới 100% cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85,6%. Hoàn thành việc nâng cấp hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh bao gồm hạ tầng thiết bị, máy phát điện, trạm điện với năng lực ảo hóa trên 109 máy chủ đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội đến năm 2025. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có Trung tâm dữ liệu phục vụ lưu trữ dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường.

Về phát triển dữ liệu số: ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Đồng Nai, có 03 hệ thống thông tin (HTTT) được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) (cụ thể: CSDL dịch vụ công, CSDL một cửa điện tử, CSDL quản lý đất đai). Hình thành cơ sở dữ liệu của chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bao gồm: Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Đồng Nai; dữ liệu số hóa giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp; số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh; hệ thống tiếp nhận và xử lý hồ sơ, tài liệu điện tử nộp về hệ thống hồ sơ lưu trữ cơ quan và lưu trữ tỉnh; cơ sở dữ liệu về hồ sơ lao động, việc làm, dạy nghề, hồ sơ người có công và an sinh xã hội; cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; cơ sở dữ liệu lấy ý kiến người dân mức độ hài lòng xử lý dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực; cơ sở dữ liệu vi bàng; cơ sở dữ liệu về môi trường; cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; cơ sở dữ liệu về khoáng sản; kết nối và chia sẻ 7 hệ thống thông tin/CSDL của bộ, ngành, doanh nghiệp qua trục dữ liệu quốc gia.

Về phát triển nền tảng số: 100% các các cơ quan hành chính nhà nước và địa phương hoàn thiện việc trang bị cơ sở hạ tầng và nền tảng họp trực tuyến. 100% các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên đều có trang bị ít nhất một nền tảng để tổ chức dạy và học trực tuyến; đã triển khai Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp tỉnh (LGSP) đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn hiện hành. 100% cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc; thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, thủ tục hành chính một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến thông qua trục liên thông tỉnh; kết nối hệ thống quản lý văn bản, một số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với hệ thống quản lý văn bản, cổng dịch vụ công quốc gia của Văn phòng Chính phủ thông qua Trục liên thông vãn bản Quốc gia. Đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên Phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, đặc biệt đã thực hiện ký số được trên các thiết bị di động (iOS, Android...); Triển khai thí điểm 2 nền tảng Trung tâm điều hành thông minh (OC) của VNPT và Viettel trên địa bàn thành phố Biên Hòa và Thành phố Long Khánh, cơ bản bước đầu hình thành công cụ quản lý, điều hành trực tuyến, kênh thông tin giao tiếp trực tuyến với người dân, doanh nghiệp; triển khai thí điểm nền tảng xã hội số “Đồng Nai CĐS”. Ngoài ra đưa vào khai thác, sử dụng một số nền tảng số ngành y tế như: nền tảng tiêm chủng, xét nghiệm.

Trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng: Hoàn thành việc triển khai hệ thống giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã nhằm mở rộng hạ tầng kêt nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng 4 cấp tại địa phương đạt hiệu quả, đáp ứng hạ tầng cho Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Tiếp tục duy trì thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel cung cấp dịch vụ giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng đối với hệ thống thông tin tại Trung tâm dữ liệu tỉnh Đồng Nai; Triển khai đầy đủ các hướng dẫn, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đến các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Lê Lài