Thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc Khơ me đạt 98 triệu đồng/người/năm

Đăng ngày: 12/10/2023
​Trên địa bàn tỉnh có 23.569 người là đồng bào dân tộc Khơ-me chiếm 11,85% tổng số đồng bào dân tộc thiểu số và chiếm 0,72% dân số toàn tỉnh. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong đầu tư thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Khơ-me nói riêng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khơ-me từng bước được nâng lên, nhiều hộ đồng bào dân tộc Khơ-me đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, sản xuất.​

​Để nâng cao mức sống, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc phát huy khả năng, kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tỉnh đã tập trung thực hiện, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Khơ-me nói riêng như hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các hộ đồng bào dân tộc Khơ-me để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, gắn với công tác hỗ trợ, chăm lo, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc, các cấp, các ngành đã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung vùng có đồng bào dân tộc thiếu số (đồng bào dân tộc Khơ-me). Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc Khơ-me đạt 98 triệu đồng/người, tăng 35,5% so với năm 2018 (2018 là 72,3 triệu đồng); số hộ nghèo và cận nghèo giảm so với năm 2018.

Việc thực hiện chủ trương, chính sách về giáo dục, đào tạo, tỉnh luôn chú trọng chiỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách giáo dục trong đồng bào dân tộc Khơ-me, tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên là người dân tộc Khơ-me có điều kiện tốt nhất trong học tập và vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, 100% con em trong đồng bào dân tộc Khơ-me được đến trường và ra lớp đúng độ tuổi tại các bậc học, không có học sinh trong độ tuổi đi học không được đến trường.

Trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khơ-me được tập trung thực hiện. Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ-me được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ tổ chức, tạo điều kiện để phục dựng, khôi phục và tổ chức hàng năm, như lễ hội Chôlchnămthmây, Sendolta, Ocomboc (của đồng bào dàn tộc Khơ-me), lễ hội mang đậm sắc thái truyền thống của dân tộc Khơ-me, tạo được không khí vui tươi, đoàn kết và thân ái tại các địa phương.

dua_thuyen-14_49_55_718.jpg 
Lễ hội đua​ ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khơ-me
 

Bên cạnh đó, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc ngày càng nâng lên, phụ nữ đồng bào dân tộc Khơ-me có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, các chương trình y tế quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me được triển khai thực hiện đầy đủ. Đồng bào dân tộc Khơ-me thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ thuộc 24 xã khu vực I vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong vùng đồng bào Khơ-me được tăng cường, hạn chế các hoạt động truyền đạo trái phép trong vùng đồng bào, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo lôi kéo xúi giục đồng bào tham gia các hoạt động trái pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khơ-me. 

Tuy nhiên, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Khơ-me vẫn còn gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh; nhận thức về pháp luật của một bộ phận đồng bào dân tộc Khơ- me và việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong đa số hộ đồng bào dân tộc Khơ-me còn hạn chế; diện tích đất sản xuất của hộ gia đình còn thiếu, nhỏ lẻ, manh mún, năng suất sản xuất thấp. Công tác bảo tồn, giừ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khơ- me có quan tâm, nhưng hiệu quả chưa cao. Một bộ phận đồng bào dân tộc Khơ- me đã từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo các tôn giáo (chủ yếu là công giáo và tin lành). Mặc dù tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc Khơ-me được giữ vững, tuy nhiên đối với số lao động là đồng bào dân tộc Khơ-me nhập cư và đang làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh chủ yếu làm theo thời vụ, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tình hình an ninh trật tự.

Lê Lài