Về trách nhiệm của Thường trực HĐND, Tổ đại biểu HĐND trong xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri

Đăng ngày: 12/10/2023
​​Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được tiến hành trước một bước từ tổ đại biểu.

    Nhiệm vụ này được xác định rõ trong Kế hoạch TXCT của Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Sau khi hoàn thành kế hoạch tiếp xúc, tổ có trách nhiệm họp toàn thể thành viên trong tổ để nghe các thành viên báo cáo kết quả tiếp xúc của mình; tổ sẽ đánh giá, phân loại để tổng hợp tình hình và các ý kiến cử tri, theo đó xác định được những ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính quyền các cấp.
   IMG_1746.JPG
         Cử tri tin tưởng gửi gắm và mong muốn ý kiến được tổng hợp, xử lý


Sau khi xác định thẩm quyền, tổ đánh giá những nội dung đã được trả lời tại buổi tiếp xúc hoặc trong các kỳ tiếp xúc trước để tiếp tục phân loại gồm (1). Đã trả lời thỏa đáng, kết thúc việc xử lý và (2). Trả lời chưa thỏa đáng hoặc đang trong lộ trình giải quyết để trả lời sẽ tiếp tục theo dõi hoặc chuyển về Thường trực HĐND tỉnh (kể cả các ý kiến thuộc thẩm quyền của các ngành Trung ương); thông thường, các địa bàn đô thị có lượng ý kiến cử tri rất lớn và mức độ phức tạp cao hơn. Kết thúc việc đánh giá, phân loại, Tổ đại biểu lập báo cáo kết quả TXCT gửi về Thường trực HĐND cùng cấp theo thời hạn quy định.
    IMG_5376.JPG
       Hội nghị TXCT chuyên đề về Giáo dục có khoảng gần 300 cử tri tham dự


  Trên cơ sở báo cáo của các Tổ, Thường trực HĐND (với sự tham mưu của cơ quan Văn phòng) tiến hành tổng hợp và xử lý các ý kiến cử tri. Về cách thức phân loại, tổng hợp tương tự như cách làm của Tổ đại biểu, tuy nhiên ở mức độ cao hơn. Qua phân loại, Thường trực HĐND tiếp tục loại ra những ý kiến đã được trả lời thỏa đáng, trả lời đến Tổ đại biểu để đại biểu trả lời với cử tri trong kỳ tiếp xúc sau và chỉ chuyển UBND cùng cấp những ý kiến hợp lý và theo nguyên tắc Thường trực HĐND cấp nào chuyển UBND cùng cấp ý kiến phản ánh của cử tri cấp đó; đối với ý kiến thuộc thẩm quyền của chính quyền nhiều cấp thì do Thường trực cấp cao hơn xử lý.
    Đối với HĐND cấp tỉnh, sau mỗi đợt TXCT, trung bình có 40 ý kiến thuộc thẩm quyền cấp tỉnh trong đó có khoảng 5 đến 9 ý kiến thuộc thẩm quyền các cơ quan Trung ương và cơ quan Tư pháp. 
    Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri được trình bày tại kỳ họp thường lệ của HĐND. Thực hiện quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Thường trực HĐND dự thảo, xin ý kiến của BMTTQVN cùng cấp và tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình ra kỳ họp.

Nguyễn Thị Oanh