Các giải pháp, chiến lược lâu dài về chống ngập nước trên địa bàn tỉnh

Đăng ngày: 17/10/2023
​Qua ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại các cụm thảo luận tổ trước kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh, Sở Xây dựng đề ra các giải pháp, chiến lược lâu dài cần chỉ đạo, tập trung thực hiện trong thời gian tới.
 

​Thứ nhất, nâng cao chất lượng quy hoạch, quy hoạch phải thông minh, quy hoạch phải bền vững, ổn định với tầm nhìn chiến lược lâu dài, hạn chế điều chỉnh quy hoạch, hạn chế tối đa bê-tông hóa, bảo tồn yếu tố tự nhiên, tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp giảm ngừa biến đổi khí hậu; Quy hoạch chi tiết các khu chức năng, nhất là sự đấu nối HTKT phải gắn với việc tính toán khả năng tiếp nhận để có phương án đầu tư nâng cấp hệ thống HTKT đô thị tương xứng, đồng bộ.

Thứ hai, hiện nay, quy định hiện hành không cho phép tỉnh Đồng Nai được lập riêng Quy hoạch tổng thể thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng sẽ quan tâm, chú trọng nội dung quy hoạch thoát nước, các dự án ưu tiên đầu tư làm cơ sở triển khai đầu tư mạng lưới thoát nước đồng bộ cho đô thị trong công tác hướng dẫn, lập, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng của từng địa phương, từng đô thị, đồng thời vẫn tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng đưa nội dung cần thiết lập quy hoạch thoát nước đô thị vào dự án Luật quy hoạch đô thị và nông thôn đang xây dựng.

Thứ ba, Tiếp tục hướng dẫn, nâng cao chất lượng hồ sơ, công tác thẩm định dự án, cùng tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư về hạ tầng kỹ thuật đô thị; Đầu tư mới hoặc nâng cấp các tuyến đường giao thông phải gắn liền với việc đầu tư các hệ thống HTKT đồng bộ, đặc biệt là hệ thoáng thoát nước.

nuocngapBH.jpg
​Ngập nước sau cơn mưa tại ngã ba thuộc phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa (Ảnh: BĐN)
 

Thứ 4, Về phía các địa phương: Cần phải xây dựng Kế hoạch cải tạo chỉnh trang hệ thống mương, rạch, suối bị lấn chiếm, thu hẹp, bị ô nhiễm nặng chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung; nạo vét, mở rộng các rạch, suối, cầu, cống trong nội đô; kết hợp với bố trí xây dựng các hồ điều hòa ở các vị trí phù hợp trong quá trình lập quy hoạch chung xây dựng góp phần tái lập hệ sinh thái tiêu thoát nước tự nhiên, bảo vệ cảnh quan môi trường. Bảo vệ tuyệt đối hành lang sông, suối và các công trình tiêu thoát nước; Thực hiện cắm mốc phạm vi hành lang bảo vệ quy định về phòng, chống lấn chiếm hệ thống thoát nước đô thị; Ban hành quy định quản lý hệ thống thoát nước đô thị và có giải pháp quản lý, xử phạt tình trạng san nền trái phép, chặt hạ cây xanh mà không có giải pháp dẫn dòng thoát lũ, tình trạng xây dựng xây dựng lần chiếm dòng chảy; Quản lý chặt chẽ việc thu gom rác, xử lý nghiêm việc xả rác.

Thứ năm, đối với các cơ quan, đơn vị lập, thẩm định chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật các công trình đường giao thông, khu dân cư, khu đô thị, công trình thoát nước (kênh, mương, kè, cống...) phải nghiên cứu kỹ phương án nguồn tiếp nhận, đấu nối thoát nước, dự báo tương lai để đưa ra được các giải pháp thoát nước phù hợp, đảm bảo sự kết nối giữa các dự án, khu vực với nhau. Đặc biệt phải chú trọng đầu tư tuyến thoát nước phải đồng bộ, gắn liền với đầu tư đường giao thông, thiết kế các tuyến đường giao thông phải tính toán đến việc bố trí các hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Sở Xây dựng tiếp tục theo dõi và phối hợp với UBND cấp huyện, thành phố các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các giải pháp và đề xuất UBND tỉnh xử lý triệt để các vấn đề về ngập úng tại các đô thị, nhất là đô thị Biên Hòa.

Thu Hương